Hóa giải những nỗi lo
Cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập là xu thế chung phù hợp với sự phát triển kinh tế của địa phương, phù hợp với quy luật cạnh tranh của thị trường. Trong đó, tâm tư của người lao động là vấn đề luôn được quan tâm. Từ chỗ là một công chức, viên chức với lương và nhiều quyền lợi khác được Nhà nước đảm bảo, khi đơn vị chuyển sang vận hành theo cơ chế mới, các lợi ích thay đổi, việc đi hay ở là mối băn khoăn lớn của người lao động. Rồi thì khi chuyển đổi, đơn vị có giữ lại lao động không, có giảm nhân lực hay yêu cầu cao hơn về tay nghề, về năng lực chuyên môn; DN hoạt động theo cơ chế mới có ưu tiên tuyển dụng nhân viên cũ, cổ phần hóa rồi thì ông chủ mới sẽ thế nào…
Trước những tâm tư của người lao động, bên cạnh việc tổ chức những cuộc họp tuyên truyền chính sách, phổ biến nội dung, một việc hết sức quan trọng là Nhà nước tạo điều kiện để người lao động được mua cổ phần của đơn vị với giá ưu đãi.
Người lao động được mua cổ phần nghĩa là họ cũng sẽ làm chủ DN, gắn trách nhiệm, quyền lợi của mình cùng với sự phát triển chung của DN.
Ông Phạm Đại Lâm - Giám đốc Trung tâm đăng kiểm phương tiện thủy, bộ Bình Định (Sở GTVT), một trong số các đơn vị đang trong tiến trình cổ phần hóa - chia sẻ: Thực ra việc được mua cổ phần của DN chính là cách người lao động mua sự yên tâm, mua sự gắn kết và phát triển với đơn vị. Trong những điều khi chia sẻ với người lao động về việc cổ phần hóa DN, chúng tôi luôn nói với mọi người đây là cơ hội tốt để thay đổi mọi thứ tốt hơn. Cổ phần hóa là hướng đi tất yếu, phù hợp với sự phát triển chung của một nền kinh tế. Thay vì lo lắng, thay vì tâm tư, chúng tôi muốn người lao động của mình chủ động đón nhận những đổi thay. Sự thay đổi bao giờ cũng đi kèm với thách thức, xem thách thức đó là khó khăn hay cơ hội là tùy thuộc vào mỗi người. Và trong đó, quan trọng nhất là để cho người lao động tìm thấy được quyền lợi của mình, thể hiện được sự cống hiến của mình khi đơn vị chuyển sang cổ phần hóa.
Anh Nguyễn Đình Tiến, cán bộ Trung tâm đăng kiểm phương tiện thủy, bộ Bình Định, bày tỏ: Trong lộ trình chuyển đổi của đơn vị, có mấy điểm mà nhờ đó đã tạo được sự yên tâm nơi người lao động: Tìm thấy chỗ đứng của mình trong kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh của đơn vị, được tạo điều kiện ưu đãi mua lại cổ phần của đơn vị. Tôi cũng như nhiều lao động khác, nhận thấy việc chuyển đổi là tất yếu. Chúng tôi vẫn thấy được cơ hội đi tiếp của mình, tìm thấy được sự gắn kết với đơn vị trong hành trình đổi mới. Cùng với đó, việc chúng tôi ưu tiên là tiếp tục làm việc tốt, nâng cao tay nghề để có thể phù hợp với điều kiện cạnh tranh mới.
Tại Bình Định có nhiều đơn vị đã cổ phần hóa thành công dù trước khi tiến hành, gần như người lao động nào cũng lo lắng. Để hóa giải những nỗi lo đó, cùng với công tác động viên, DN rất cần những kế hoạch phát triển sao cho những người muốn làm việc đều tìm thấy chỗ đứng, cơ hội của mình.
THU DỊU