Nghệ nhân Nhân dân Ðinh Chương:“Trong máu tôi có điệu múa, lời ca Bana Kriêm!”
Nghệ nhân Nhân dân Ðinh Chương là một trong số ít những nghệ nhân dân gian có hiểu biết sâu sắc, thông tỏ về văn hóa Bana Kriêm. Không chỉ hát hay, múa giỏi, ông còn là một bậc thầy về chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc mình.
Ông tham gia các hoạt động văn nghệ từ rất sớm. Năm 1967, ông đã là đội trưởng đội văn nghệ Vĩnh Thạnh, vừa sáng tác bài múa vừa sáng tác bài hát, kịch bằng tiếng mẹ đẻ, thường xuyên đi biểu diễn phục vụ đồng bào.
Nghệ nhân Nhân dân Đinh Chương chỉnh đàn T’rưng.
Nhắc nhớ chuyện xưa, ông đưa tay chỉ lên vách nhà sàn. Ở đó, là mấy chục bằng khen được ông trân trọng lưu giữ. Nhiều bằng khen trong số đó, giấy có từ thời kháng chiến, nhiều cái đã ngả màu xưa cũ. Năm 1977, Đinh Chương tham gia cuộc thi múa hát văn nghệ miền Trung. Ông biểu diễn tiết mục múa “Mừng lúa mới” và đạt HCV. Liên tiếp những lần tham gia sau đó, ông luôn có giải cao trong các cuộc thi, liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số ở mọi cấp độ.
Tiếp xúc với ông, dễ thấy chất lửa văn nghệ như còn đượm nồng bất chấp tuổi tác. Năm 2011, khi đã 72 tuổi, ông vẫn hăng say biểu diễn hơmon “Chàng Y Ông” trong Ngày hội các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định và góp phần đưa đoàn Vĩnh Thạnh đoạt giải nhì toàn đoàn. Có lẽ chưa ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số nào được huyện, tỉnh tổ chức mà vắng mặt bok Chương. Ông hát hơmon, đan đát, biểu diễn cồng chiêng… đủ cả. Hình ảnh một già làng của núi rừng Vĩnh Thạnh cất cao tiếng hát ngọt đằm, vang xa đầy nội lực từ lâu đã thân thương, gần gũi trong công chúng.
Nghệ nhân Ðinh Chương sinh năm 1939, quê ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Hội viên Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số, Hội VHNT Bình Ðịnh. Ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015 và Nghệ nhân Nhân dân năm 2019.
Không chỉ giỏi múa, hát, kể hơmon, Đinh Chương còn là bậc thầy về chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc Bana, từ đàn T’rưng, đàn Blơng khơng, đàn goong, đàn Hơ đong, Đing Dút đến sáo Tà lía, sáo Ola. Tôi hết sức ấn tượng khi ông thổi Tà lía, là loại sáo có ba lỗ, thanh âm như muốn kết nối lòng người với rẫy rừng, với không gian xanh bao la phía trước mặt. Ngắm ông say sưa trình tấu minh họa, có cảm giác nhạc cụ như là một sinh vật sống, đang trò chuyện và cộng hưởng cùng nghệ nhân. Nghe tôi nhận xét, ông cười thật ấm: Trong máu tôi có điệu múa, lời ca Bana Kriêm, sinh ra đã thế rồi mà!
Mới rồi gặp lại ông trong Liên hoan văn hóa cồng chiêng tỉnh Bình Định lần thứ nhất. Ông nắm tay thật chặt, không che được nỗi mừng vui. Ông bảo, biết tin tỉnh tổ chức Lễ hội cồng chiêng, mừng lắm, ông cùng con gái gắng thu xếp để tham gia cho kỳ được. Ai tiếp xúc với ông cũng đều nhận thấy sự nhiệt thành của ông cũng như những nghệ nhân ở Vĩnh Thạnh. Họ vốn vậy, luôn hết mình để gìn giữ, trao truyền vốn văn hóa dân tộc mình.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh chia sẻ: “Nghệ nhân Đinh Chương là một báu vật sống của người Bana Kriêm. Nay dù tuổi cao nhưng ông vẫn vẹn nguyên nhiệt tình với văn hóa của đồng bào mình, vẫn là một già làng uy tín vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương, tiếp tục truyền dạy các bài hát, điệu múa, chế tác nhạc cụ giữ nét văn hóa Bana Kriêm. Đến đâu, ông cũng được bà con yêu mến, kính trọng”.
Mấy năm gần đây, Đinh Chương dành nhiều thời gian cho cháu con. Hiện ông đang ở cùng con gái và chăm sóc hai cháu ngoại. Cháu nhỏ mới đâu vài tháng tuổi, thế nên, ông có dịp… khoe tiếng hát ru, có dịp ngợi ca vẻ đẹp của những bài hát ru Bana Kriêm. Mà thật, đứa trẻ đang ngằn ngặt khóc bỗng ngoan ngoãn yên giấc trên đôi tay bế ẵm của ngoại. Tôi cứ mãi hình dung, sẽ thật diệu kỳ khi những lời ca da diết ngọt lành của đất của làng, của tấm lòng những bậc sinh thành len vào ký ức ấu thơ của những đứa trẻ, để mạch ngầm văn hóa âm thầm len lỏi đến tận từng mạch máu, đường gân, theo chúng trong từng bước đường phương trưởng, bất kể đó là Bana, Kinh hay Chăm Hroi, H’rê.
VÂN PHI