Xã Mỹ Tài:
Nghề đan tre “sống” được
Hai thôn Vĩnh Lý, Vĩnh Nhơn của xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ) với gần 200 hộ dân lâu nay gắn với nghề đan tre thủ công truyền thống, tạo ra những sản phẩm gia dụng quen thuộc như rổ, rá, dừng, sàng… bằng nguyên liệu chính là tre, lồ ô và mây. Bà con làng nghề cho rằng, đan tre là nghề phụ, nhưng “sống” được.
Ông Lưu Văn Chánh - 62 tuổi, ở đội 4, thôn Vĩnh Lý, có mấy chục năm trong nghề đan tre - vừa chuốt những chiếc nan tre dài óng mượt, vừa tâm sự: “Làm nghề này ngồi trong mát, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, tùy việc khó dễ, lớn nhỏ ai nấy đều biết đan, chỉ nhọc công thôi, nhưng mà sống được. Trừ chi phí không nhiều, lấy công làm lời, cũng kiếm được 40.000 - 50.000đ/ngày để chi tiêu, tích cóp cho con ăn học, chứ chỉ dựa vào mấy sào ruộng đất, con bò, con heo thì không đủ”.
Ông Phan Hữu Nghiêm, Trưởng thôn Vĩnh Lý, cho biết: Trong 208 hộ toàn thôn, có hơn 50 hộ, nhất là ở xóm 4 đã gắn bó với nghề đan tre, cũng chưa thấy ai giàu lên từ nghề này, nhưng không bỏ được, vì quen nghề mà lại cũng có đồng ra đồng vào lúc thớ lỡ. Ở đây cứ cách 5 ngày có một 1 phiên chợ, nhà nào làm nhiều cũng bán được 50 - 60 rổ cà phê (mắt rổ nhỏ hơn hạt cà phê, dùng để sàng tạp chất lẫn trong hạt cà phê khi thu hoạch), rổ tiêu (cùng có mục đích sử dụng như rổ cà phê); ít thì cũng có vài ba chục rổ để bán, lấy tiền mắm rau chờ đến phiên chợ kế tiếp.
Ở thôn Vĩnh Nhơn hiện có hơn 150/215 hộ toàn thôn bao đời nay gắn bó với nghề đan tre. Chúng tôi đến nhà vợ chồng anh Phan Thế Thanh ở xóm 5 thì đã xâm xẩm tối, thấy anh vẫn chưa nghỉ tay đan. Anh bộc bạch: “Tranh thủ gặt lúa vụ mùa xong, làm thêm ít rổ nữa để có bán ở phiên chợ tới, kiếm chút tiền mua vật tư phân bón lo vụ Đông Xuân sắp gieo sạ rồi”. Anh Thanh cho biết là anh đã có nhiều năm trong nghề đan tre, làm ruộng, chăn nuôi. Nghề đan tre góp phần giải quyết lao động nông nhàn, tuy thu nhập không cao nhưng ổn định. Kể cả các con anh từ đứa học cấp 2, cấp 3 sau giờ học đều tranh thủ đan để phụ với gia đình.
Không khỏi cảm động khi chúng tôi đến nhà chị Đoàn Thị Đạt (55 tuổi) con cái đã yên bề gia thất, làm ăn ở xa, giờ mỗi mình chị tranh thủ làm ruộng kiếm gạo ăn, còn cáng đáng cả việc đàn ông như chặt tre, lập vành…, đan rổ bán tích cóp thêm để nuôi chồng bị bệnh, tốn kém thuốc thang nhiều.
Trưởng thôn Vĩnh Nhơn, ông Tô Đình Phú, cho biết: “Trước thì bà con làm rổ đãi gạo, dừng, sàng… nhiều, nhưng gần chục năm nay lại chuyển sang làm rổ cà phê, rổ tiêu. Loại này bán rất chạy khi Tây Nguyên vào mùa thu hoạch rộ cà phê, tiêu”. Cũng theo ông Phú, làng đan tre ở đây đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống trong mấy năm qua, nhưng chính sách đầu tư hỗ trợ về đường bê tông giao thông nông thôn và hỗ trợ sản xuất vẫn chưa được thực hiện, khiến người dân làng nghề vẫn tiếp tục thấp thỏm đợi chờ.
THANH TRỌN - XUÂN LỘC