Vào mùa bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng khi vào mùa cao điểm, từ tháng 9 - 11. Ðặc biệt, vào đầu năm học mới, môi trường trường học dễ khiến trẻ mắc bệnh, nhất là trẻ dưới 5 tuổi.
Không chủ quan bệnh tay chân miệng
Ghi nhận tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, năm 2018 tiếp nhận khám 242 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, nhập viện điều trị 211 trường hợp. Năm nay, đến đầu tháng 10 thì Bệnh viện đã khám 205 trường hợp, nhập viện 152 trường hợp.
Sáng 5.10, chị N.T.T (phường Đập Đá, TX An Nhơn) đưa con gái 4 tuổi có những nốt mụn nhỏ mọng nước trên tay, chân, miệng, đến khám tại khoa Khám, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Qua kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh tay chân miệng. Chị N.T.T cho hay, bé sốt cao 39°C, không chịu ăn và liên tục kêu đau miệng. Khi bé sốt sang ngày thứ hai thì trên tay, chân, miệng nổi lên những nốt mụn nhỏ.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ để phòng bệnh tay chân miệng.
Bác sĩ CKII Đinh Thị Ái Liên, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, cho biết, bệnh tay chân miệng đang vào mùa cao điểm và số lượng trẻ mắc bệnh khám, nhập viện đang tăng dần. Tuy diễn biến ban đầu nhẹ, từ từ nhưng bệnh cũng có thể khiến bệnh nhân gặp biến chứng nguy hiểm, có những trường hợp chuyển biến xấu rất nhanh trong vòng vài giờ. Đáng chú ý, bệnh có thể tái nhiễm nhiều lần trên cùng một trẻ.
Tại BVĐK tỉnh, bệnh nhân tay chân miệng được điều trị tại khoa Truyền nhiễm và khoa Nhi. Theo bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi, nguyên nhân gây bệnh này do vi rút đường ruột, phổ biến nhất là vi rút Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV 71). Trong đó, Coxsackievirus A16 ít gây ra biến chứng và có thể tự hết từ 7 - 10 ngày; còn EV 71 là loại nguy hiểm dễ gây các biến chứng thần kinh, phổi, tim mạch khiến trẻ tử vong.
“Khi thấy trẻ có các triệu chứng sốt cao trên 39°C, miệng lở loét, nổi nốt ban và mọng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, giật mình thường xuyên… thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Không chủ quan, tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, vì diễn biến chuyển độ nặng của bệnh rất nhanh dễ dẫn đến nguy hiểm”, bác sĩ Phạm Văn Dũng lưu ý.
Giữ vệ sinh sạch sẽ
Sở Y tế thông tin, đến ngày 3.10, toàn tỉnh đã phát hiện 302 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Độ tuổi mắc nhiều nhất là trẻ từ 1 - 3 tuổi (gần 200 trường hợp), chủ yếu ca bệnh nhẹ (độ 1 có hơn 230 trường hợp), độ 2 có hơn 60 trường hợp. Toàn tỉnh xuất hiện 4 ổ dịch nhỏ tại xã Canh Liên (Vân Canh), xã Bình Thuận, Bình Tường (Tây Sơn), xã Hoài Đức (Hoài Nhơn).
Bác sĩ Phạm Văn Dũng lưu ý thêm, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan rất nhanh và rộng. Vì vậy, nếu trẻ được phát hiện sớm thì cần được chữa trị kịp thời. Bệnh gia tăng do thời điểm giao mùa tháng 9 - 11 lại trùng vào mùa tựu trường. Hiện vẫn chưa có vắc xin đặc hiệu phòng bệnh. Tuy nhiên, có thể giảm nguy cơ nhiễm bệnh bằng cách giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, rửa tay trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ; sau khi đi vệ sinh hay vệ sinh cho trẻ; ăn chín, uống chín; lau sạch các bề mặt bị nhiễm bẩn bằng xà phòng và nước, tiệt khuẩn bằng dung dịch chloraminB; tránh các tiếp xúc gần với trẻ mắc bệnh...
Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường chỉ đạo, giám sát, phát hiện sớm, khống chế xử lý triệt để ổ dịch và dập tắt dịch. Tăng cường truyền thông phòng chống lây nhiễm bệnh tay chân miệng; chú ý các nhóm đối tượng đích là bà mẹ, người chăm sóc trẻ tại hộ gia đình, giáo viên trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình. Trung tâm y tế tuyến huyện phối hợp phòng GD&ĐT tăng cường giám sát dịch bệnh, điều kiện vệ sinh, môi trường tại các trường học, nhóm trẻ gia đình.
“Yêu cầu đặt ra là các cơ sở giáo dục có đủ phương tiện rửa tay, xà phòng, nước sạch cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, chỉ đến lớp khi hết loét miệng và phỏng nước. Chủ động xử lý dịch tại trường học, nhà trẻ, mẫu giáo có số mắc tăng cao”, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh.
MAI HOÀNG