Lưu ý khi bị sỏi thận
Sỏi thận là căn bệnh phổ biến hiện nay. Nếu sỏi thận không được đưa ra ngoài, tích tụ lâu trong cơ thể và không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, như tắc nghẽn đường tiểu, nhiễm trùng, vỡ bàng quang, suy thận...
Bác sĩ Hoàng Văn Khả, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, BVĐK tỉnh, cho biết: “Nguyên nhân chính gây sỏi thận là thiếu nước trong cơ thể. Thói quen ăn mặn, ăn nhiều thịt, thường xuyên uống thực phẩm bổ sung có chứa canxi, sử dụng nhiều các loại vitamin C, thừa cân, béo phì, nghiện rượu cũng gây nguy cơ mắc bệnh rất cao”.
Triệu chứng của sỏi thận là đau dữ dội, đột ngột, đau từ vùng thắt lưng lan ra phía trước, từ trên xuống dưới; buồn nôn, nôn mửa, đi tiểu khó khăn, tiểu rắt, tiểu ra máu. Ngoài ra, người bệnh cũng có khi đau âm ỉ, đau nhẹ vùng thắt lưng. Theo bác sĩ Khả, việc điều trị bằng thuốc sẽ có hiệu quả với những sỏi nhỏ hoặc chưa có biến chứng. Trong trường hợp sỏi có kích thước lớn chiếm toàn bộ đài, bể thận hoặc đã có biến chứng, thì hướng điều trị tốt nhất là phẫu thuật lấy sỏi.
Để bài tiết sỏi ra khỏi thận, điều quan trọng nhất là phải cung cấp thật nhiều nước cho cơ thể. Uống đủ lượng nước cần thiết trong ngày nhằm hỗ trợ hoạt động đào thải độc tố ra ngoài, đồng thời thúc đẩy nhanh một số sỏi nhỏ ra ngoài. Qua đó, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sỏi thận hình thành bên trong cơ thể. Những người có dấu hiệu mắc bệnh sỏi thận cần tránh tuyệt đối việc nhịn tiểu, bởi dễ bị nhiễm trùng và tích tụ sỏi trong thận. Hơn nữa, kiểm soát lượng muối ăn vào hàng ngày để đảm bảo chế độ ăn lành mạnh, hợp lý hơn.
THU PHƯƠNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)