Doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu: Lo thiếu nguyên liệu
Tại Bình Ðịnh, chế biến gỗ là lĩnh vực chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp. Nhưng gần đây, khó khăn về nguyên liệu phục vụ sản xuất của các DN mỗi ngày một lớn.
Mặc dù đã chủ động được tới 80% gỗ nguyên liệu từ thị trường nội địa nhưng Xí nghiệp Thắng Lợi vẫn hết sức dè chừng.
- Trong ảnh: Một phân xưởng chế biến đồ gỗ xuất khẩu của Xí nghiệp Thắng Lợi.
Toàn tỉnh hiện có hơn 100 DN hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm đồ gỗ, kết nối với thị trường gồm 83 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hàng năm, nhập khẩu hơn 200 nghìn m3 gỗ nguyên liệu, trong đó gỗ xẻ chiếm 85%, gỗ tròn chiếm gần 15%, còn lại là ván nhân tạo các loại. Theo Sở Công Thương, trong 9 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến đồ gỗ của tỉnh tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2018, chế biến gỗ khác tăng 26,8%; kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt hơn 340 triệu USD, tăng 20,3% so cùng kỳ năm trước, chiếm 51% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
“Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra đã tạo nhiều thuận lợi cho DN chế biến gỗ xuất khẩu trong tỉnh có cơ hội mở rộng thị trường, nhưng các DN cũng gặp thách thức vì DN Trung Quốc sang Việt Nam “núp bóng” DN Việt Nam để lấy chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa (C/O) của Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Tình trạng này đã xuất hiện tại tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai và Bình Ðịnh cũng đã có”.
Ông LÊ MINH THIỆN, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định, cho biết: Mặc dù có sự tăng trưởng ổn định, nhưng hoạt động của các DN chế biến đồ gỗ xuất khẩu trong tỉnh gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu. Các DN phải nhập khẩu hơn 80% gỗ nguyên liệu, và thường gặp các yếu tố rủi ro về chất lượng, chứng nhận nguồn gốc; chưa kể đến chuyện các nước xuất khẩu gần đây cũng chịu nhiều ràng buộc bởi các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên… khiến không chỉ giá cả tăng nhanh mà còn phập phù về khả năng cung ứng.
Là một DN lớn, đã chủ động đặt hàng dài hạn để có nguồn nguyên liệu dự phòng nhưng Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành vẫn hết sức thận trọng khi nhắc đến vấn đề gỗ nguyên liệu. Ông Lê Văn Lương, Giám đốc công ty này, cho biết: “Chúng tôi chỉ sử dụng 20% nguyên liệu gỗ trong nước, phần còn lại phải nhập khẩu. Một số loại gỗ nguyên liệu như sồi chẳng hạn, mình phải nhập khẩu mới có mà làm. Vì buộc phải nhập khẩu nên DN phụ thuộc vào phía cung cấp nguyên liệu, muốn đảm bảo sản xuất chúng tôi phải đặt hàng từ trước rất lâu, lại còn phải dự trữ nữa. Làm như thế tiêu tốn một phần vốn rất lớn, khiến chi phí sản xuất tăng cao”.
Chuyện của Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành cũng là chuyện của rất nhiều DN khác của ngành chế biến đồ gỗ. Nhưng ngay cả những DN có khả năng chủ động gỗ nguyên liệu tốt hơn, sự thể cũng không hẳn sẽ tích cực hơn. Trường hợp của Xí nghiệp Thắng Lợi (thuộc Công ty CP Phú Tài) là ví dụ.
Mặc dù đã chủ động được tới 80% gỗ nguyên liệu từ thị trường nội địa nhưng Xí nghiệp Thắng Lợi vẫn hết sức dè chừng. Ông Nguyễn Sỹ Hòe, Giám đốc Xí nghiệp Thắng Lợi, phân tích: “Chúng tôi tích cực mua gom nguyên liệu từ Phú Yên ra tận Phú Thọ đấy! Nhưng gần đây, lượng gỗ rừng trồng từ 8 năm tuổi trở lên đã giảm rất nhanh. Chúng tôi phải cạnh tranh, vận dụng những mối hàng quen từ lâu năm, nhưng vẫn rất khó tiếp cận các chủ rừng để mua gỗ. Thậm chí ngay cả khi mình chủ động mua lại rừng trồng của dân trong tỉnh để liên kết trồng rừng gỗ lớn phục vụ sản xuất vẫn không dễ dàng chút nào, kể cả vào thời điểm giá dăm gỗ rớt xuống, các chủ rừng vẫn không muốn làm ăn với mình”.
Cái khó về nguyên liệu khiến một số DN buộc phải từ chối một số đơn hàng dù rất tiếc. Ông Đỗ Xuân Lập, Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt - DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của MasterBrand (Tập đoàn FBHS, Mỹ) - cho hay: “Năm nay, đơn đặt hàng nhiều nhưng do khách hàng yêu cầu hoàn thành gấp quá nên mình không thể nhận hết. Trước tiên là do chúng tôi đang tập trung chuyển đổi hoạt động, trang bị lại hệ thống sản xuất, đào tạo và nâng cao trình độ cho người lao động nhưng nguyên nhân không kém phần quan trọng là vấn đề gỗ nguyên liệu”.
Trao đổi xung quanh vấn đề gỗ nguyên liệu với chúng tôi, ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: “Sở đang xây dựng Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 với các mục tiêu, như: Phát triển trồng cây gỗ lớn trong tỉnh đến năm 2025 đáp ứng 50% nhu cầu nguyên liệu phục vụ ngành chế biến đồ gỗ của tỉnh, đến năm 2035 cơ bản đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng rừng trồng kinh doanh gỗ lớn của tỉnh đạt 80 - 90% trữ lượng; trong đó, sản lượng gỗ lớn bình quân đạt tỷ lệ 50 - 60%. Khuyến khích, hỗ trợ các DN liên kết nhằm tạo khu vực cung ứng, chế biến gỗ tập trung… nhằm hỗ trợ ngành chế biến gỗ của tỉnh phát triển”.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN