Chị Liên & nghề làm bánh
Nếu nhiều người làm bánh có xuất phát điểm là nghề truyền thống của gia đình thì chị Diệp Thị Bích Liên, tổ 8, khối 1A, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn lại đến với nghề vì hoàn cảnh khó khăn. Chị Liên kể, vợ chồng tôi vốn theo nghề thợ xây, phụ hồ, sau một lần bị ngã dàn giáo, cả hai đành bỏ nghề. Rẽ sang một số nghề khác từ làm nông, buôn bán đồ khô vẫn không ổn, cuối cùng chị bàn với chồng phụ mình làm các loại bánh truyền thống.
Hiện tại, bánh của chị Liên đã được nhiều người tin dùng và bắt đầu có uy tín ổn định trên thị trường.
Làm các loại bánh trái vốn là sở thích của chị Liên. Nhưng làm với quy mô nhỏ và cho gia đình dùng là một chuyện, để bán ra thị trường lại là chuyện khác. Với quyết tâm và bản tính chịu khó, vợ chồng chị bắt đầu với một số loại bánh đơn giản như: bánh ít trắng, bánh in, bánh đậu đen... Vừa làm vừa học hỏi, thậm chí học hỏi ở chính những nhận xét của khách hàng, chất lượng bánh của chị cao dần lên, đồng thời danh mục sản phẩm của chị cũng phong phú thêm với: bánh yến, bánh hồng, bánh mứt, bánh xôi vị...
Hiện tại, bánh của chị Liên đã được nhiều người tin dùng và bắt đầu có uy tín ổn định trên thị trường. Chị Liên thật thà kể, bây giờ nhiều người tín nhiệm hàng thủ công nhà làm, đây là cơ hội nên mình không thể cẩu thả. Tôi chú trọng từ khâu chọn nguyên liệu cho đến lúc làm bánh. Ngay cả một loại phụ liệu tạo hương như vỏ quýt mình cũng hết sức cẩn thận, vỏ quýt được cắt chỉ, xào khô. Mỗi ngày gia đình tôi có thể xuất bán khoảng 1.000 chiếc bánh các loại. Bởi bánh của mình làm thủ công, không có chất bảo quản nên thời hạn sử dụng không nhiều, chỉ để được 3 - 5 ngày là tối đa nếu được bảo quản tốt. Dù vậy không chỉ mua dùng, nhiều người còn mua để biếu, tặng. Với những trường hợp như vậy mình luôn nhắc chừng thật kỹ về thời gian bảo quản.
ÐINH THỊ MINH NGỌC