Quản lý hành nghề y, dược tư nhân: Những “lỗ hổng” và nỗi lo chưa dứt
Không thể phủ nhận cơ sở y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh đã giúp người dân địa phương dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế. Tuy nhiên, việc quản lý các cơ sở không dễ dàng và tồn tại nhiều bất cập.
Bình Định hiện có hơn 1.000 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kinh doanh thuốc tư nhân được cấp phép (620 cơ sở khám chữa bệnh, hơn 392 cơ sở kinh doanh thuốc).
Vừa kê đơn, vừa bán thuốc
Vi phạm thường thấy của nhiều cơ sở kinh doanh thuốc là người quản lý chuyên môn vắng mặt, nhưng không thực hiện ủy quyền theo quy định; bán thuốc không có đơn bác sĩ. Với cơ sở khám chữa bệnh, vấn đề nằm ở hoạt động thực tế không đúng nội dung cấp phép; không đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất; không niêm yết giá dịch vụ…
Cơ sở y, dược tư nhân phát triển ngày càng mạnh trên địa bàn tỉnh.
Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng cơ sở y, dược tư nhân hoạt động “chui”. Gần đây nhất, qua kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế đã phát hiện và ra quyết định xử phạt hộ kinh doanh ông N.N.M (TP Quy Nhơn) vì hành vi kinh doanh thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Vấn đề “nóng” hiện nay là tình trạng phòng khám tư vừa khám bệnh, kê đơn vừa bán thuốc, dù đây là hành vi bị cấm theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Chánh Thanh tra Sở Y tế Lê Cảnh Sơn cho hay, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn cũng được tăng cường. Sở Y tế rất quyết liệt chấn chỉnh hoạt động khám bệnh, kê đơn và bán thuốc theo đơn. Song mạng lưới cơ sở hành nghề y, dược tư nhân ngày càng mở rộng, trong khi lực lượng chức năng lại mỏng, ảnh hưởng đến công tác thanh tra, kiểm tra. Mặt khác, các cơ sở luôn tìm cách đối phó, rất khó phát hiện, chấn chỉnh, xử phạt.
“Hiện nay, một số phòng khám tư nhân đã thực hiện mô hình tổ chức khám bệnh, chữa bệnh gắn liền quầy bán thuốc. Còn một số phòng khám vẫn vừa kê đơn vừa bán thuốc, nắm thông tin nhưng vẫn khó phát hiện, thấy rõ ràng bệnh nhân cầm thuốc đi ra nhưng khi hỏi thì họ lại bảo thuốc đem từ nhà ra cho bác sĩ xem”, ông Sơn cho hay.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Mỗi năm, Sở Y tế và các địa phương thanh tra, kiểm tra khoảng 20 - 30% cơ sở; với khoảng 20% trong số đó bị xử lý vi phạm. Không ít cơ sở hoạt động quá phạm vi cho phép, hành nghề “chui” đã bị xử phạt, đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, một cách khách quan, những khoảng trống trong công tác quản lý đòi hỏi phải siết chặt, đưa hệ thống y, dược tư nhân hoạt động theo đúng quỹ đạo, tránh để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Vấn đề đặt ra hiện nay là trong khi các cơ sở y, dược tư nhân ngày càng phát triển, nhiều mánh khóe để qua mặt cơ quan chức năng thì công tác kiểm tra, hậu kiểm lại gặp không ít khó khăn. Ông Lê Cảnh Sơn cho hay, phòng Thanh tra thuộc Sở Y tế quá mỏng, chỉ có 4 nhân lực, để quản lý hoạt động này nhờ ở “cánh tay nối dài” là phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố.
Dù vậy, nhân lực phục vụ cho hoạt động này từ thành phố đến huyện, thị xã hiện thiếu và yếu. “Phòng Y tế là cơ quan chuyên môn giúp UBND huyện quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn nhưng biên chế không đủ để thực hiện chức năng này. Phòng chỉ có biên chế 4 người; trong đó có 1 cán bộ có chuyên môn về y dược nên việc theo dõi, kiểm tra thực hiện rất khó khăn”, ông Đào Đô My, Trưởng phòng Y tế TP Quy Nhơn trần tình.
Nhiều ý kiến cũng cho hay, công tác quản lý nhà nước lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại. Công tác kiểm tra, hậu kiểm gặp không ít khó khăn do nguồn nhân lực tuyến huyện vừa thiếu vừa yếu. Bất cập trong phân cấp cấp phép hoạt động, quản lý, thanh kiểm tra cơ sở y, dược tư nhân từ Sở Y tế đến các phòng y tế.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng khẳng định, lỗ hổng và bất cập ngay trong công tác quản lý lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân hiện nay là các văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính đồng bộ, chưa phù hợp điều kiện thực tiễn. Trong quá trình thực hiện các quy định của luật, nghị định, thông tư, Sở Y tế phải thường xuyên xin ý kiến hướng dẫn bổ sung của Bộ Y tế.
Đến thời điểm này, Sở Y tế đã phải tạm dừng cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để chờ thông báo mới của Bộ Y tế. Quy định về đào tạo liên tục cho đội ngũ y, bác sĩ của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân vẫn bị “tắc”. Hệ thống quản lý thông tin hành nghề y, dược tư nhân trên toàn quốc mới chỉ quản lý một cách cơ học, còn đi sâu quản lý quá trình hành nghề của từng y, bác sĩ đến nay vẫn chưa làm được. “Trong khi đó, hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh tư nhân hiện chưa tới với các phòng khám nhỏ lẻ. Bởi thế, cùng với việc phải đồng bộ hệ thống quy phạm pháp luật, cần thiết phải hoàn thiện cơ sở quản lý thông tin khám chữa bệnh trong thời gian tới. Vấn đề được đặc biệt ưu tiên là siết chặt quản lý, chấn chỉnh tình trạng khám bệnh, kê đơn và bán thuốc. Cùng với đó, phát huy hơn nữa tính hiệu quả, vai trò của các địa phương trong phối hợp quản lý”, ông Hùng nhấn mạnh.
MAI HOÀNG