Họ Phạm Hoài Ân làm tốt công tác khuyến học
Dòng họ Phạm ở thôn Thế Thạnh 1, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân vừa mới tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập (2004 - 2019). Sau rất nhiều nỗ lực vượt khó, dòng họ này đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong công tác khuyến học, để tinh thần học tập không ngừng lan tỏa, thấm sâu vào từng thế hệ.
Việc khen thưởng, động viên, khích lệ con cháu nhiều năm qua được Ban Khuyến học dòng họ Phạm Hoài Ân thực hiện rất kịp thời, hiệu quả.
Buổi lễ kỷ niệm hôm ấy bắt đầu bằng nghi thức báo công với tổ tiên về 15 năm xây dựng dòng họ học tập. Trong không khí thành kính, trang nghiêm, ông Phạm Trung Tánh - một trong những thành viên sáng lập Ban Khuyến học dòng họ đã ôn lại quãng thời gian hơn 15 năm trước, lúc mưu sinh ở quê nhà còn khó khăn, hầu hết con cháu bôn ba làm ăn xa, chuyện cơm áo, gạo tiền bó buộc nên đa số chỉ học hết cấp 2 rồi nghỉ học đi làm. Thực tế đó khiến những người lớn tuổi trăn trở khôn nguôi, bởi học để có kiến thức, học để làm người, tại sao không thể theo đuổi đến cùng. “Con cháu gặp khó khăn, học tập chưa tốt thì người lớn phải tìm cách khích lệ, động viên, tạo điều kiện để các con, các cháu vượt khó, học hành tiến bộ. Ban Khuyến học dòng họ đã ra đời để thực hiện bổn phận, trách nhiệm này”, ông Tánh trao đổi.
Vì điều kiện kinh tế của các hộ gia đình trong dòng họ đa số ở mức trung bình, một số thậm chí thấp hơn so với mức thu nhập bình quân trong toàn xã nên Quy ước khuyến học dòng họ gồm 6 chương 20 điều không quy định việc nộp hội phí mà chỉ nhấn mạnh việc biểu dương, nêu gương, thăm hỏi, động viên là chính. Vậy nhưng, chính từ những việc làm có ý nghĩa, đạt hiệu quả, một số gia đình thành đạt trong dòng họ cùng các Mạnh Thường Quân đã luôn kề vai sát cánh, giúp Ban Khuyến học tổ chức mọi hoạt động bài bản, đầy đủ ý nghĩa.
Vượt ra khỏi phạm vi không gian của một xã, huyện hay tỉnh, 105 nhân khẩu trong dòng họ Phạm sinh sống ở nhiều nơi trong nước luôn ra sức thi đua học tốt, học nữa, học mãi, học mọi lúc mọi nơi. Số con cháu học khá, giỏi tăng lên theo từng năm; dòng họ không có con cháu nào bỏ học. Tốt nghiệp THPT, con cháu dòng họ Phạm đều chọn lựa cách học tiếp lên phù hợp với năng lực, khi ra trường tìm được việc làm ổn định. Đến nay, dòng họ có 1 thạc sĩ, 9 cử nhân và 2 học viên trung cấp.
Tiếp nối những tấm gương sáng của lớp cha chú, thế hệ trẻ như Phạm Thị Nga (con ông Phạm Văn Đây ở xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn) đang là sinh viên năm thứ 5 của Trường ĐH Y Dược Huế hay Phạm Minh Tú (con ông Phạm Văn Thành ở TP Quy Nhơn) đang là sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH Quy Nhơn đều xuất thân từ những gia đình rất khó khăn nhưng không ngừng nỗ lực vươn lên. Nga và Tú chia sẻ: “Cảm nhận sâu sắc sự hy sinh của cha mẹ, tinh thần hiếu học của dòng họ, chúng em không cho phép mình buông xuôi mà ngược lại, xem những khó khăn, bất lợi là cơ hội để rèn ý chí, nghị lực của bản thân”.
Chuyện trò về điều tâm đắc nhất suốt 15 năm làm công tác khuyến học, các thành viên sáng lập Ban Khuyến học dòng họ Phạm thôn Thế Thạnh 1, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân cho rằng, đó chính là tinh thần đoàn kết, gắn bó, gần gũi, chia sẻ, tương thân tương ái của các thành viên và con cháu trong dòng họ sinh sống ở nhiều nơi. Trong nhiệm kỳ tới (2019 - 2024), Ban sẽ duy trì và phát huy những thành quả đạt được, tiếp tục phát triển số lượng hội viên và tích cực vận động để có nguồn kinh phí dồi dào cho nhiều hoạt động mới.
Nhận xét về Ban Khuyến học dòng họ này, ông Giang Trung - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Hoài Ân, cho biết: “Đây là một trong những Ban Khuyến học dòng họ của huyện hoạt động rất nề nếp, bài bản, phát huy tốt vai trò giáo dục, động viên con cháu học tập. Một điều đáng quý khác là ngoài việc học tập, Ban Khuyến học dòng họ Phạm rất quan tâm giáo dục con cháu truyền thống của gia tộc mình”.
NGỌC NGA