Một mẹo phân biệt dấu hỏi / ngã
Trên báo Bình Định số ra ngày 22.2.2018, chúng tôi đã có dịp trình bày về một mẹo phân biệt hỏi, ngã dựa vào quy luật ngữ âm. Nay, xin được trình bày thêm một mẹo khác liên quan đến từ Hán Việt. Mẹo này có hai cách áp dụng.
Một, các chữ bắt đầu bằng những mẫu từ d, l, m, n và v đều được viết thanh ngã. Các chữ khác không bắt đầu bằng những mẫu tự trên thường được viết thanh hỏi. Ví dụ: với d ta có: hoang dã, việt dã, diễn viên, dũng cảm; với l ta có: lão phu, lịch lãm, lẫm liệt, lữ hành; với m ta có: mã đáo thành công, mẫn tiệp, phụ mẫu, mỹ miều; với n ta có: não bộ, quân ngũ, nghiễm nhiên, nhãn quan, kiên nhẫn; với v ta có: vĩ đại, vĩnh cửu, thiên la địa võng, vũ trang… Với cách này, ta có “khẩu quyết” Dân Là Vận Mệnh Nước để dễ nhớ.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn, với đ ta vừa có chữ viết thanh hỏi (đả thương, đảng phái, điển cố, trang điểm) vừa có chữ viết thanh ngã (du đãng, hiếu đễ, đỗ quyên, Đỗ Mục).
Hai, giữa hai yếu tố Việt và Hán Việt gần âm thì yếu tố Việt thường được viết thanh hỏi, yếu tố Hán Việt thường viết thanh ngã. Chẳng hạn: [máy] nổ - nỗ [lực], [con] hổ - hỗ [trợ], [nghiêng] ngả - [bản] ngã, [cái] vỉ - vĩ [mô], mảnh [vỡ] - [dũng] mãnh, [gà] mổ - [Lê] mỗ…
Tuy vậy, cũng có không ít trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn, tiếng Việt có từ cổ (trong cứng đầu cứng cổ), tiếng Hán cũng có cổ (như trong cổ vũ, cổ động). Tiếng Hán có lỗ (như trong nghịch lỗ, lỗ mãng, Lỗ quốc), tiếng Việt cũng có lỗ (như trong hang lỗ, lời ăn lỗ chịu, lỗ mỗ).
Nhầm lẫn hỏi/ngã là một trong những lỗi chính tả phổ biến, nhất là trong phương ngữ miền Trung và miền Nam. Nguyên nhân chính của nó là phát âm sai dẫn đến viết sai. Để khắc phục được điều này, không cách nào khác là người nói/viết phải đọc nhiều, viết nhiều, thường xuyên chú ý những trường hợp dễ nhầm lẫn. Dù vậy, trong một số trường hợp, khi không có công cụ tra cứu bên cạnh, nắm vững một số mẹo chính tả để sử dụng cũng là một giải pháp hữu ích.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ