Cõng cơm, nâng giấc cho trò
Tôi vẫn hình dung chuyện “cõng cơm” là một cách ví von, là để chia sẻ với các cô giáo ở An Lão. Nhưng trong những ngày làm tư liệu cho bài viết này, đặc biệt là những ngày mưa, chuyện cõng cơm là thật chứ không hề ví von, vì vậy tôi xin phép dưới đây, không đặt từ này vào trong ngoặc kép!
Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng từ năm học 2012 - 2013, khá nhiều trường mầm non ở huyện An Lão đã mở lớp bán trú. Đến nay toàn huyện có 7/10 xã, thị trấn dạy bán trú, 82,4% trẻ được học bán trú. Đây là điều mà ngay ở đồng bằng, không phải ở đâu cũng làm được.
Thương trẻ
Biết tôi lên thăm, cô Lỡ Thị Thúy Lan, chuyên viên phụ trách mầm non (Phòng GD&ĐT huyện An Lão) đổi chiếc xe máy chắc chắn hơn để chở tôi đi thăm một số điểm trường. Từ thị trấn An Lão mất chừng 1 giờ chúng tôi mới đến được Trường mẫu giáo xã An Vinh.
Có lẽ nhờ quen đường thuộc lối, nên trong khi tôi ngồi sau chòng chành muốn… say xe, còn cô Lỡ Thị Thúy Lan vừa lái vừa rành mạch kể cho tôi nghe về đặc điểm bán trú ở An Lão. Cô kể: “Không đâu xa, ngày đại hội công chức viên chức vừa rồi, tôi nghĩ 1 tiếng đồng hồ là dư sức lên tới nơi, nên cứ thế mà đi. Ấy vậy mà trời bất ngờ mưa, đường trơn trợt, lầy lội khiến tôi cứ loay hoay mãi, khi tới nơi thì đã trễ. Lúc lên bục phát biểu, tự nhiên nghĩ tới cái khổ của các đồng nghiệp, nhìn xuống dưới, chịu không nổi, tôi bật khóc. Bên dưới, nhiều cô cũng sụt sùi theo. Tôi thỉnh thoảng mới đi mà đã như vậy, còn các cô ngày nào cũng như ngày nào. Thương lắm!”.
Lấy cơm cho các bé ăn.
Đa số các cô dạy ở các điểm trường đều định cư ở các xã: An Hòa, An Tân, thị trấn An Lão, nhưng cũng có cô ở tít dưới thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Do vậy, để dạy các điểm trường xa, nhất là các điểm trường ở An Vinh - cách nơi các cô ở gần 30 km, các cô phải lo dậy sớm, 6 giờ sáng hoặc sớm hơn đã bắt đầu hành trình leo đèo vượt dốc. Vào ngày mưa, các cô phải đi sớm hơn, hẹn nhau cùng đi để hạn chế rủi ro, có thể hỗ trợ nhau lúc cần, nhất là những nơi nước chảy xiết, dữ. Các cô giáo đứng lớp có cái khó của chuyện đứng lớp. Những cô phụ trách bếp cơm lo đi chợ, khệ nệ bưng bê, chở thức ăn phục vụ bán trú lại có những cái khổ riêng.
“Mỗi sáng tôi đi nhận nguyên liệu, thực phẩm rồi từ 6 giờ 30 phút đã phải chở về trường để nấu. Đường xa, hẹp khó đi, chỉ cần một cơn mưa là rất dễ bị té ngã, một số đoạn còn bị ngập nước nữa. Nhưng dù vậy điều tôi lo lắng nhất không phải đường xa, khó đi mà chỉ sợ trên đường đi mang thức ăn đến các điểm trường lẻ bị trễ, hư hỏng một phần thức ăn khiến các cháu bị hụt bữa. Xót lắm!” - chị Lê Thị Kim Trang, phụ trách bếp ăn Trường mẫu giáo An Vinh, chia sẻ. Nghe đã thấy cực nhưng các chị lại cười, đó là chuyện của 2 năm gần đây, chứ trước kia, chị Đinh Thị Quỳnh Như, Đinh Thị Hành còn ròng rã thay phiên đi từ An Vinh xuống thị trấn, đi chợ rồi quay lại trường nấu ăn, đường xa xôi, khó đi hơn nhiều.
Lo lắng vì tình trạng suy dinh dưỡng của các em, chính quyền các xã vùng cao của huyện An Lão động viên, lần lượt mở bán trú, đi đầu là xã An Quang. Đầu tiên trường tổ chức được lớp bán trú cho trẻ mẫu giáo tại điểm chính, tiếp đó nhân rộng ra các điểm lẻ. Và rồi, đến nay nhiều trường vùng cao huyện An Lão không chỉ mở bán trú ở điểm chính mà còn cõng cơm cho các điểm lẻ với niềm vui các cháu đang đợi mình.
Ông Đinh Văn Cung, Chủ tịch UBND xã An Vinh, cho biết: Cách đây 4 - 5 năm, khi mới mở bán trú riêng chuyện vận động phụ huynh đem con ra lớp đã không hề đơn giản, vả lại ngày đó cũng chưa có trường như bây giờ. Xã chủ động trích một phần kinh phí để xây trường, làm đường bê tông vào trường để cô giáo và các cháu dễ đi hơn, vận động phụ huynh giúp cô giáo dựng bếp tạm. Đến nay mọi thứ dần ổn, dù đưa cơm rất xa nhưng các cô rất nhiệt tình, chúng tôi ghi nhận nỗ lực của các cô, bây giờ chính phụ huynh là những người quý các cô nhất.
Nâng niu từng miếng ăn, giấc ngủ
Gặp tôi, chị Đinh Thị Trâm, phụ huynh bé Đinh Thị Gia Tuyết (5 tuổi), ở thôn 4, xã An Vinh vui vẻ cho biết: “Từ ngày học ở trường về nhà bé ngoan hơn, tự giác hơn trong việc vệ sinh cá nhân. Bé biết đọc biết viết chữ lại đẹp nữa. Ở trường bé ăn ngoan hơn ở nhà nên khi đi học trông bé đầy đặn hơn”. Tôi tin vào tình yêu nghề nghiệp của các cô, tin rằng các cô vô cùng yêu thương các cháu. Dù vậy tôi vẫn cứ hết sức bất ngờ khi các cô bảo, tiền cơm lớp bán trú là 12.000 đồng/ngày, mà là mới năm nay thôi, chứ từ năm ngoái trở về trước chỉ có 10.000 đồng/ngày bao gồm cả bữa phụ. Ngó gương mặt đang đuỗn ra của tôi, cô Đinh Thị Nê mời chúng tôi đi thăm bếp.
Chăm bé ngủ.
Vừa đi cô Nê vừa kể: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Dù số tiền không cao nhưng bữa ăn của bé vẫn đủ canh, rau và món mặn. Thực đơn luân phiên thay đổi để 2 tuần sau mới lặp lại món 1 lần, nhờ vậy các bé thấy ngon miệng, có bé ăn đến 4 chén vẫn còn muốn ăn thêm. Sau bữa chính, cô sẽ cho các bé ngủ, ngủ dậy sẽ ăn bữa phụ. Khoảng 15 giờ 30 phút các bé sẽ uống sữa, sau đó các cô bắt đầu trả trẻ”.
Theo chân người cõng cơm đến với điểm trường thôn 3, xã An Vinh. Bàn ghế cho trẻ ăn đã được các cô sắp xếp ngay ngắn. Thấy các cô đến, các bé khoanh tay chào và bắt đầu ngồi vào bàn ăn. Những bé 3 tuổi được các cô mang cơm đến bàn, bé 5 tuổi đã biết tự đi nhận cơm. Các cô sẽ quan sát hôm ấy bé nào ăn ít, bé ăn chỉ một chén cô gọi lại cho bé ăn thêm.
Khi trẻ ăn xong, các cô sẽ dọn rửa sắp xếp bàn ghế, cô cấp dưỡng thu dọn đồ đạc trở về để nấu bữa xế và tiếp tục mang đến các điểm lẻ. Cứ thế ngày 2 lần cõng cơm; các bé đã quen với món ăn, hương vị do các cô mang đến. Nhờ vậy, so với đầu năm học 2018 - 2019, cuối năm học tỷ lệ suy dinh dưỡng về cân nặng ở trẻ mẫu giáo giảm 6,7%, suy dinh dưỡng về chiều cao giảm 8,1%; tỷ lệ suy dinh dưỡng về cân nặng ở trẻ mầm non giảm 4,4%, suy dinh dưỡng về chiều cao giảm 6%.
Ai cũng bảo dạy vùng núi cực khổ, những cô lớn tuổi thì đã quen nhưng với các cô giáo trẻ thì khó. Nhưng các cô giáo trẻ như Nguyễn Phạm Thị Mỹ Duyên, Phạm Thị Tường Vi... đều vui vẻ cười bảo: “Đúng là đường đi có khó khăn nhưng trẻ ở đây ngoan và dễ thương lắm, và mình làm ở đây cũng rất vui!”. Những ngày lưu lại ở An Lão, dần dần tôi đã tin ở những nụ cười rất nhẹ và rất sáng của các cô! Và tôi cũng tin với các cô câu hát “Mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương” dường như ngọt thêm một chút.
THẢO KHUY
Đọc bài viết mà thấy thương các cô giáo và các em nhỏ vùng cao quá.