GS Nobel Vật lý 2019 từng đến Quy Nhơn
Chiều 8.10 (theo giờ Việt Nam), giải thưởng danh giá Nobel Vật lý năm 2019 do Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Ðiển tổ chức đã vinh danh 3 nhà khoa học: James Peebles, Michel Mayor và Didier Queloz, với hai nghiên cứu về vũ trụ học và ngoại hành tinh. Trong đó, GS Michel Mayor (77 tuổi, người Thụy Sĩ) có mối “duyên nợ” với “Gặp gỡ Việt Nam” tổ chức tại TP Quy Nhơn - Bình Ðịnh.
GS Michel Mayor chủ trì tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế “Khoa học các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời”, trong khuôn khổ Gặp gỡ Việt Nam năm 2014, diễn ra tại ICISE - TP Quy Nhơn. Ảnh do Hội gặp gỡ Việt Nam cung cấp
Lần đầu tiên GS Michel Mayor (ĐH Geneva - Thụy Sĩ) đặt chân đến Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE - TP Quy Nhơn) là vào năm 2014, để dự Hội nghị khoa học quốc tế “Khoa học các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời”, thuộc chuỗi sự kiện chương trình Gặp gỡ Việt Nam. Lần ấy, ông còn có buổi giao lưu khoa học đại chúng với công chúng về “Các thế giới khác trong vũ trụ? Câu hỏi về anh em sinh đôi của Trái đất”.
Có một điều trùng hợp thú vị giữa các chủ nhân của giải thưởng Nobel với ICISE - TP Quy Nhơn. Bởi, không riêng GS Michel Mayor, mà ngay trước đó GS Barry Barish (người Mỹ) - giải Nobel Vật lý 2017, cũng từng đến dự lễ khánh thành ICISE và hội nghị “Các cửa sổ nhìn vào vũ trụ” năm 2013.
Quay trở lại với giải thưởng Nobel Vật lý 2019, GS Michel Mayor được vinh danh bởi những đóng góp của ông trong việc lý giải có hay không những hành tinh giống Trái đất tồn tại bên ngoài Hệ Mặt trời? Và, liệu con người có phải là sinh vật sống duy nhất trong vũ trụ? Đây cũng chính là những câu hỏi mà ông đã dành gần cả cuộc đời mình để đi tìm lời giải.
Năm 1995, GS Michel Mayor và cộng sự đã tìm ra hành tinh ngoài Hệ Mặt trời 51 Pegasi b ở cách Trái Đất 50 năm ánh sáng. Phát hiện này mở ra cuộc cách mạng trong ngành Thiên văn học. Kể từ sau đó, hơn 4.000 ngoại hành tinh được phát hiện trong dải Ngân Hà với sự đa dạng về kích thước, hình thái và quỹ đạo.
Hơn 5 năm trước, theo lời mời của GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, GS Mayor đã đứng ra tổ chức Hội nghị quốc tế “Khoa học các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời”. Nhớ lại sự kiện lần đó, GS Trần Thanh Vân xúc động: “GS Mayor đã đứng ra tổ chức hội nghị và đích thân mời nhiều nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực của mình đến tham dự. Ông cũng đã rất tâm huyết trong buổi trao đổi với học sinh, sinh viên Bình Định. Điều này cho thấy tấm lòng của ông với giới khoa học Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng”.
Đến giờ, TS Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc ICISE, còn cất giữ một bức ảnh GS Mayor ngồi trong xe buýt được chụp qua điện thoại của TS Phạm Ngọc Điệp (Trung tâm Vệ tinh quốc gia). Một nhà khoa học giản dị và gần gũi. Nhưng lại là người mang đến những kiến thức khá lạ lẫm với cả thế giới.
“ICISE và Quy Nhơn luôn nhìn nhận họ là những nhà khoa học hàng đầu lĩnh vực, tạo diễn đàn để họ trình bày ý tưởng của mình, trao cho họ cơ hội truyền lửa đam mê cho giới trẻ. Điều này cũng là một minh chứng rõ ràng vì sao chúng tôi luôn một niềm mong mỏi mời được càng nhiều nhà khoa học thế giới đến với Việt Nam”, GS Trần Thanh Vân chia sẻ.
NGỌC TÚ