Dự án Cạnh tranh nông nghiệp:
Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh ngành lúa giống
Trong năm 2013, Ban quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (BQL DA CTNN) tỉnh đã phối hợp với đơn vị tư vấn (Công ty cổ phần Tư vấn chất lượng và đào tạo Tín Việt - ở TP Đà Nẵng) thực hiện chủ đề: “Chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng lúa giống tỉnh Bình Định giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn 2030, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh ngành lúa giống của tỉnh nhà.
Phát triển ngành sản xuất lúa giống sẽ giúp tỉnh ta nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
- Trong ảnh: Tham quan khu sản xuất lúa giống của Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ tại thị xã An Nhơn. Ảnh: T. SĨ
Lợi thế và triển vọng phát triển
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển, đơn vị tư vấn đã đưa ra nhiều giải pháp, giúp tỉnh xác định rõ lợi thế cạnh tranh để đưa ra những quyết sách về quy hoạch, chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành lúa giống tỉnh Bình Định. Theo đơn vị tư vấn, tỉnh ta có rất nhiều ưu thế để phát triển ngành hàng lúa giống. Đáng chú ý là các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, ngành chức năng và nông dân rất tâm huyết với việc phát triển ngành lúa giống. Về mặt chủ trương, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ, phát triển giống cây trồng giai đoạn 2010-2015.
Các mặt thuận lợi cơ bản là: Hệ thống giao thông của tỉnh với đủ loại hình, kết nối với các tỉnh phía Nam, phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Lào, thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu trao đổi, vận chuyển hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản. Thời tiết, nhiệt độ, lượng mưa hàng năm ở Bình Định tương đối ổn định; lao động nông nghiệp dồi dào; hệ thống thủy lợi khá hoàn thiện, thuận lợi cho hoạt động sản xuất lúa giống và thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Hơn nữa, mùa vụ sản xuất ở Bình Định sớm hơn các tỉnh phía Bắc, các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, nông dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa giống, nên nhiều năm qua, nhiều doanh nghiệp (DN) ngoài tỉnh đã đặt hàng các HTXNN trong tỉnh sản xuất lúa giống.
Hệ thống sản xuất và cung cấp lúa giống ở Bình Định khá hoàn thiện. Hiện trên địa bàn tỉnh có Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất các loại giống lúa siêu nguyên chủng, nguyên chủng); Trung tâm Giống cây trồng tỉnh (sản xuất và cung ứng lúa giống nguyên chủng) và 72 HTXNN thường xuyên tham gia sản xuất lúa giống. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 2 DN (Công ty TNHH Thuận Nông và Công ty TNHH Giống cây trồng Quy Nhơn) chuyên sản xuất và cung ứng lúa giống.
Cũng theo đơn vị tư vấn, nhu cầu lúa giống trên thị trường nội tỉnh và ngoài tỉnh giai đoạn 2014-2020 là rất lớn, trong đó nhu cầu trong tỉnh gần 15.000 tấn/năm và ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên gần 34.500 tấn/năm. Lợi nhuận từ việc sản xuất và cung ứng lúa giống rất hấp dẫn, cũng là điều kiện thuận lợi để Bình Định phát triển ngành hàng lúa giống.
Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh
Tiến sĩ Bùi Quang Bình, Trưởng nhóm tư vấn nói trên, cho biết: Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng, cơ hội tiềm năng phát triển, chúng tôi cho rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng lúa giống tỉnh Bình Định giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn 2030, Bình Định cần rà soát quy hoạch, quản lý quy hoạch và sản xuất kinh doanh lúa giống. Dựa trên năng lực có khả năng mở rộng vùng sản xuất lúa giống của các địa phương, tỉnh tiến hành quy hoạch vùng sản xuất tập trung diện tích tối thiểu mỗi vùng trên 20ha, đồng thời tập trung cải tạo đồng ruộng và giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện cho Trung tâm Giống cây trồng tỉnh và 2 DN chuyên sản xuất, cung ứng lúa giống trên địa bàn tỉnh sản xuất khảo nghiệm, chọn lọc phục tráng các giống lúa thuần siêu nguyên chủng để phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, cần đầu tư hoàn thiện hạ tầng sản xuất; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; chọn mua giống chuyển nhượng bản quyền tác giả cho tỉnh hoặc các DN trong tỉnh có từ 2-3 giống lúa độc quyền đủ sức cạnh tranh và tạo sự khác biệt của Bình Định đối với ngành lúa giống miền Trung và Tây Nguyên. Mặt khác, tổ chức sắp xếp lại hệ thống sản xuất, phân phối, tiêu thụ lúa giống, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.
Đơn vị tư vấn cũng đề xuất với các sở, ban ngành, hội - đoàn thể, cơ sở và hộ sản xuất kinh doanh lúa giống nhiều biện pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng lúa giống của tỉnh nhà. Bà Trần Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc BQL DA CTNN tỉnh, cho biết: BQL DA cùng với đơn vị tư vấn đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp của ngành chức năng của tỉnh, chính quyền các cấp, các DN và các HTXNN về chủ đề: “Chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng lúa giống tỉnh Bình Định giai đoạn 2013 - 2020 và tầm nhìn 2030”. Điều đáng mừng là phần lớn các ý kiến của đại biểu đều đánh giá cao chủ đề này. Việc nghiên cứu đánh giá hiện trạng sản xuất kinh doanh lúa giống, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng lúa giống của tỉnh sẽ giúp cho các sở, ngành, UBND các cấp thấy rõ bức tranh toàn cảnh về năng lực cạnh tranh ngành lúa giống Bình Định so với các tỉnh khác, qua đó xác định rõ lợi thế cạnh tranh và đưa ra những quyết sách về quy hoạch, chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành lúa giống tỉnh nhà. BQL DA và đơn vị tư vấn sẽ hoàn thiện báo cáo chủ đề trình Sở NN-PTNT xem xét, phê duyệt. Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT sẽ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành hàng lúa giống, nhằm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
PHẠM TIẾN SỸ