Bình Ðịnh cần sớm tiếp cận nông nghiệp 4.0
Dù muốn hay không thì cũng phải hướng tới nông nghiệp 4.0 và Bình Ðịnh cần sớm tiếp cận, lựa chọn mô hình ứng dụng công nghệ nông nghiệp phù hợp với địa phương.
Đó là những ý kiến các chuyên gia gợi mở cho Bình Định tại hội thảo giới thiệu giải pháp công nghệ 4.0 ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, do Sở KH&CN phối hợp Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam tổ chức ngày 3.10 vừa qua.
Mô hình trồng đậu phụng và tưới nước tiết kiệm do Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ thực hiện tại huyện Phù Cát cho năng suất cao.
Phải hướng đến nông nghiệp 4.0
Theo TS Lê Quý Kha, Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, nông nghiệp 4.0 có thể hiểu là các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, hay thủy hải sản được kết nối qua mạng điện tử ở bên trong và bên ngoài đơn vị. Hiện Việt Nam mới có một số nơi, một số lĩnh vực áp dụng từng thành phần của nông nghiệp 4.0, chứ chưa có điều kiện áp dụng nhiều thành phần và đại trà. Bởi vậy, giá thành nhiều loại nông sản của Việt Nam cao hơn nhiều lần so với các nước.
TS Kha khẳng định, những thách thức từ biến đổi khí hậu, tiến bộ nông nghiệp 4.0 trên thế giới càng trở nên gay gắt đối với ngành Nông nghiệp Việt Nam. Muốn hay không, chúng ta cũng phải hướng tới nông nghiệp 4.0 thông qua các DN lớn, trang trại, cơ sở có khả năng đầu tư ban đầu làm dịch vụ cho nông dân trong vùng; phối hợp trợ giúp nông dân hay người tiêu dùng hiểu được các ứng dụng của smartphone trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hướng tới giảm thiểu phân bón vô cơ, giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật hóa chất, đảm bảo môi trường trong sạch, hạ giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, nông dân có thể tiếp cận kết nối cung - cầu về sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp 4.0 trên toàn cầu một cách minh bạch, đơn giản, tuân thủ đầy đủ pháp luật. Thậm chí, có thể liên kết cung cầu về cơ giới hóa trong các khâu từ làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến nông sản.
Chuyển từ số lượng sang chất lượng
Đi thẳng vào điều kiện thực tế của Bình Định, TS Nguyễn Thanh Phương - nguyên Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ - cho rằng, quy mô sản xuất nhỏ, khó khăn về nhân lực, cùng với đó là biến đổi khí hậu cực đoan… là những trở ngại trong phát triển nông nghiệp. Điểm mạnh của tỉnh Bình Định là quỹ đất lớn, có nhiều tiểu vùng sinh thái, đặc biệt vùng đất cát còn nhiều - một thế mạnh để xây dựng nông nghiệp hữu cơ - bởi đất cát là giá thể sạch. Một số thuận lợi khác của tỉnh là hệ thống giao thông đầy đủ, nguồn nước dồi dào, chất lượng ánh sáng tốt, biên độ nhiệt độ ngày và đêm rõ rệt, giúp nâng cao chất lượng nông sản, đặc biệt là cây ăn quả hoặc cây dược liệu ở vùng núi như xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), xã An Toàn (An Lão).
“Với những điều kiện như vậy, Bình Định nên thay đổi tư duy sản xuất, chuyển từ nông nghiệp số lượng sang chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Cần thành lập chuỗi nông sản từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ trong và ngoài nước, giảm bớt sự tập trung vào sản xuất lúa thịt mà đi vào lúa giống, lúa hữu cơ và nông sản thảo dược. Tìm giải pháp canh tác tiên tiến thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu”, TS Phương gợi mở.
Nhìn nhận Bình Định chưa có mô hình nông nghiệp 4.0 nào, nguyên nhân theo bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN), là những tồn tại trong thói quen sản xuất truyền thống, chi phí đầu tư ban đầu cao, trong khi đa số DN hoạt động lĩnh vực nông nghiệp chưa đủ khả năng. “Bên cạnh việc tích cực tuyên truyền, phổ biến để DN, nông dân chuyển biến nhận thức, mạnh dạn thực hiện những tiến bộ nông nghiệp 4.0 cụ thể, vẫn cần có chính sách hỗ trợ tiếp sức. Đây là việc rất cần thiết để bắt kịp xu thế phát triển, nhưng cần có kế hoạch thực hiện từng bước, tạo chuyển biến dần dần”, bà Hoài đề xuất.
NGỌC TÚ