Xin ra khỏi diện hộ nghèo
Thời gian gần đây, thông tin một cụ bà ở Thanh Hóa đến UBND xã xin ra khỏi diện hộ nghèo nhận được sự quan tâm, bình luận tích cực của dư luận. Góp vào câu chuyện đẹp ấy, tại Bình Ðịnh cũng có 4 hộ nghèo ở xã đặc biệt khó khăn Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân với quyết định tương tự.
Đó là các hộ: Ông Nguyễn Thường (SN 1953), ông Nguyễn Văn Tình (SN 1951), cùng ở xóm 3 và ông Trịnh Hoàng Trương (SN 1991), bà Nguyễn Thị Liên (SN 1959), cùng ở xóm 2, thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa.
Vợ chồng ông Nguyễn Thường xác định, tùy sức khỏe tuổi già mà lao động phù hợp để tự lo bản thân và gia đình, cuộc sống sẽ thoải mái, ý nghĩa hơn.
Mong muốn chia sẻ khó khăn
Cả 4 hộ có cùng lý do khi đi đến quyết định đáng trân trọng trên. Đó là, sau vài năm được hưởng những chính sách hỗ trợ dành cho hộ nghèo, mỗi gia đình có điều kiện khắc phục khó khăn, nên ngay khi đời sống tạm ổn, họ muốn rút để nhường cho những bà con khác ở địa phương.
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo của xã, năm 2018, thôn Kim Sơn có 172 hộ nghèo, năm 2019 giảm còn 144 hộ. Trưởng Phòng LÐ-TB&XH huyện Hoài Ân Tạ Ngọc Ðịnh cho biết, xã Ân Nghĩa là địa phương thực hiện rất tốt công tác giảm nghèo, triển khai hiệu quả các chương trình, mô hình hỗ trợ giảm nghèo. Trong năm 2019, xã được giao chỉ tiêu giảm 150 hộ nghèo, đến nay đã giảm được 180 hộ, là địa phương có tỷ lệ giảm cao nhất huyện (7,29%).
Ở tuổi 66 mới dành dụm xây được căn nhà cấp 4 kiên cố, việc quan trọng sau đó mà ông Nguyễn Thường bàn với vợ - bà Nguyễn Thị Phố, là xin ra khỏi diện hộ nghèo. Đồng thuận với chồng, tại cuộc họp thôn ngày 2.10, bà Phố đại diện gia đình nêu nguyện vọng trên, trước sự ngạc nhiên và những tràng vỗ tay của bà con thôn Kim Sơn.
Hộ ông Thường (2 nhân khẩu) được xét vô hộ nghèo từ năm 2016 khi kinh tế gia đình còn quá khó khăn, nhà cửa xuống cấp, mùa màng thường xuyên thất bát, con cái chưa phụ giúp gì được… Từ những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trong gần 4 năm thuộc diện hộ nghèo, cộng với ý chí vươn lên, cảnh khó khăn dần được đẩy lùi. Tự lực, ham học hỏi, 1 năm qua, ngoài làm nông, ông Thường mày mò học làm đúc chậu cảnh để tạo thêm nguồn thu nhập. Cứ rảnh việc nông là ông cần mẫn với nghề phụ này.
Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hơn, song ông Nguyễn Văn Tình vẫn thanh thản lựa chọn sự “thiệt thòi”. Vợ mất vì bệnh, không lâu sau đó ông Tình bị tai nạn nặng, việc chữa trị kéo dài 2 năm trời ở bệnh viện, cộng với người con gái 40 tuổi bị thiểu năng bẩm sinh, gia đình ông bất đắc dĩ trở thành hộ nghèo. Di chứng tai nạn khiến 1 chân ông Tình rất yếu. Dù ở cùng vợ chồng người con trai út nhưng kinh tế vợ chồng trẻ này cũng rất khó khăn, lại còn 3 đứa con đang tuổi tiểu học và mẫu giáo, do vậy quyết định của ông Tình khiến nhiều người thắc mắc lẫn e ngại.
Với quyết định xin ra khỏi hộ nghèo, điều khiến ông Nguyễn Văn Tình (bên trái) thấy an lòng nhất chính là sự ủng hộ của vợ chồng người con trai út.
Tiền lệ đẹp
Chủ động xin ra khỏi hộ nghèo, đồng nghĩa không còn được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, song 4 hộ nghèo ở thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa rất quyết tâm với lựa chọn của mình. Bởi theo họ, đó không phải là tự trọng “hão” hay tự ái nhất thời, càng không phải “làm nổi”, mà xuất phát từ nhận thức ngày một tiến bộ và từ tấm lòng muốn chia sẻ với bà con khó khăn như mình.
Nói về lựa chọn của mình, ông Tình lý giải - giản dị mà sâu sắc: Ông bà mình từ xưa đã nói “giúp ngặt chứ không ai giúp nghèo”. Trong lúc gia cảnh khó khăn nhất, địa phương, bà con đã ưu tiên nhất trí cho mình vô diện hộ nghèo để chữa bệnh, đỡ túng quẫn, chính sách Nhà nước như vậy là rất kịp thời, nhân văn. Mối lo lớn nhất là đứa con tật nguyền thì dẫu sao mỗi tháng đã có Nhà nước hỗ trợ phần nào. “Nhiều đêm tôi nằm trằn trọc nghĩ mãi, Nhà nước, xã hội còn hàng triệu người nghèo và bao chuyện phải lo, nếu những hoàn cảnh khó lâu dài như mình cứ ở mãi thì là gánh nặng, đất nước càng lâu giàu mạnh. Tôi đem nỗi lòng đó bày tỏ với vợ chồng con trai út, an ủi lớn cho tôi là cả vợ chồng nó đều ủng hộ”, ông Tình xúc động chia sẻ.
Theo chị Huỳnh Thị Hoài, con dâu út ông Tình, khi cha nói về nguyện vọng xin ra khỏi hộ nghèo, vợ chồng chị đều hiểu điều cha ngại nhất là sợ làm khổ thêm cho các con. “Để đỡ ái ngại cho cha, vợ chồng tôi liền bảo trách nhiệm lo cha già, chị bệnh là của tụi con, cha hãy làm điều mà cha thấy đúng, muốn làm. Gia đình nhà chồng tôi đã từng được hỗ trợ lúc khó khăn nhất, tôi nghĩ việc san sẻ cho những người khác là rất hợp đạo lý”, chị Hoài tâm sự.
Ông Lê Hồng Sơn, trưởng thôn Kim Sơn, khẳng định: 19 năm 4 tháng làm trưởng thôn, tham gia công tác xét hộ nghèo ở địa phương, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến người dân chủ động xin ra khỏi hộ nghèo. Điểm đáng nói nữa là, với những hộ còn quá khó khăn, ví dụ như hộ ông Tình, có thể xét vào diện hộ cận nghèo, song bà con đã cám ơn chính sách của Nhà nước và tiếp tục khẳng định nguyện vọng muốn thoát nghèo hẳn.
“Quá bất ngờ và vui mừng trước chuyển biến về nhận thức của người dân, thôn liền báo lên xã, lãnh đạo xã cũng rất bất ngờ, cho biết đây cũng là những trường hợp đầu tiên ở Ân Nghĩa, thậm chí cả huyện. Còn bà con dự họp trực tiếp chứng kiến thì vỗ tay rào rào. Tôi có niềm tin rằng, từ tiền lệ đẹp, sẽ là tấm gương và cổ vũ ý thức tự lực tự cường cho bà con trong xã”, ông Sơn phấn khởi chia sẻ.
SAO LY