Những niềm vui nho nhỏ
Tôi và đứa em gái cùng đi ăn ở quán mì Quảng ở đường Trường Chinh. Đó là một quán ăn khá sạch, gần gũi. Em tôi gọi mì Quảng gà nhưng vì không ăn được da và lười dùng tay để xé, em tôi bỏ lại mấy miếng gà. Lấy làm lạ, cô chủ quán bèn ra hỏi thăm, khi biết được lý do, cô liền xin phép lấy lại mấy miếng gà đem vào trong. Ít phút sau, phần gà của tô mì em tôi đã đúng như cô nhỏ mong muốn: Không có da và phần thịt đã được “phi-lê” , thậm chí còn được trụng lại một chút nên vừa nóng vừa thoang thoảng thơm. Đặt nhẹ đĩa thịt xuống bàn, cô chủ quán nói khẽ: Lần sau con muốn ăn như thế nào, cứ nói trước để cô pha chế đúng ý, hợp vị; đừng bỏ phí thức ăn như thế mà phải tội, con nhé! Điều này làm tôi và em tôi vui, thường xuyên ăn ở đó hơn.
Cũng là quán này, có vài vị khách thắc mắc dường như nước đậu “không được bình thường”. Ông chủ giải thích vì lỡ tay làm quá đặc, ông cũng nhỏ nhẹ đề nghị, nếu không hài lòng khách có thể trả lại và yên tâm là quán sẽ không bán lại cho người khác. Câu chuyện khiến tôi để ý và lát sau, thấy ông dùng số nước đậu đó cùng các con mình.
Lại một lần khác, một vị khách bỏ lại 1 miếng thịt bò trong món la gu. Ông chủ lại đến hỏi vì sao, người khách bảo cảm thấy hơi mặn. Ông đến nói với vợ ông - người nấu, món la gu hôm nay mặn, và xin lỗi vị khách, hứa hôm sau hương vị sẽ khá hơn. Chỉ bao nhiêu đấy thôi, khách sẽ vui vì thấy quán phục vụ chu đáo, thực khách được tôn trọng.
Do đặc thù công việc, tôi dịch chuyển thường xuyên. Tôi hay chọn những quán ăn sạch sẽ, người phục vụ biết nói lời cảm ơn - xin lỗi. Vừa rồi, dịp đi công tác ở An Lão về, qua đoạn Phù Cát, chúng tôi ghé quán nước bên đường và gọi dừa uống giải khát. Bà chủ bảo đó là dừa Phù Cát, nó khác với dừa Bến Tre, rồi bà kể những chuyện hơn 20 năm bán dừa và cũng đã từng uống những trái dừa với giá 40.000 đồng dù ở nhà bán có 10.000 đồng, rồi những que kem có giá 25.000 đồng dù ở nhà bà bán 3.000 đồng... Cái cách bà kể chuyện tự nhiên, đậm chất chia sẻ khiến tôi và có lẽ là nhiều người khác thích thú lắng nghe. Nhưng ngạc nhiên nhất là khi tính tiền ra về, thấy trong ly vẫn còn 1 ít nước dừa và cơm dừa, bà nhỏ nhẹ đề nghị “uống hết nước dừa đi con, đổ đi là lãng phí đó!”. Tôi và người bạn đồng hành, dù đã mang khẩu trang, đội nón bảo hiểm, vẫn vui vẻ bỏ ra để ăn - uống nốt phần còn lại. Chỉ riêng cái phần kể chuyện, tôi đã có thể đánh dấu về bà với hai chữ “hồn hậu”. Nhưng với cách nhỏ nhẹ đề nghị đừng lãng phí thực phẩm, tôi muốn tô đậm thêm một chút nữa với hai chữ “tử tế”.
Tôi hay nhặt ra, cất riêng cho mình những niềm vui nho nhỏ như thế từ những tiệm ăn, quán nước bình dân; tôi cũng thích ghi nhớ những ông, bà chủ chu đáo với khách, những người bán hàng tử tế. Tôi tự cho mình là người may mắn vì trên những chặng ruổi rong, tôi để dành được nhiều niềm vui nho nhỏ về người Bình Định quê mình.
KHUY BIÊN