Phố Quy Nhơn trong tranh Nguyễn Văn Cần
Quê Duy Xuyên, Quảng Nam, học ở Huế nhưng Bình Ðịnh mới là nơi họa sĩ Nguyễn Văn Cần gắn bó. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp ÐH Mỹ thuật Huế, anh về công tác tại khoa Mỹ thuật, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Bình Ðịnh. Cũng từ đó, anh phải lòng Quy Nhơn, tha thiết đến giờ.
Họa sĩ Nguyễn Văn Cần.
Trò chuyện với Nguyễn Văn Cần khi cùng xem tranh anh, với tôi luôn là trải nghiệm thú vị. Mỗi tác phẩm là một vùng ký ức và với những bức anh vẽ phố Quy Nhơn, chúng tôi thường lặng lẽ, để thinh lặng trải đều qua những góc phố, mái nhà, hàng cây, để tiếng vọng từ Quy Nhơn dồn lên ngực mình ấm áp lạ thường.
Anh bộc bạch: “Tháng 8.1998, khi tôi mới đến Quy Nhơn nhận công tác, ấn tượng về phố và người nơi đây như những chùm rễ mang sức sống mới, lặng lẽ tỏa lan, len lỏi đến từng ngóc ngách cảm xúc. Tôi thấy Quy Nhơn dễ dàng đáng yêu trên mọi góc nhìn, mọi cung giờ. Không hề quá đâu, khi ánh trăng chiếu rọi vào từng mái phố, hay dát lên nền biển lấp lánh, khó ở đâu xinh đẹp bằng Quy Nhơn. Tôi bị hút bởi những ngôi nhà ven đầm Thị Nại. Sự xô lệch, đan xen, những mái nhà tạm nhưng chứa đựng bao thế hệ con người can trường trải sóng gió thiên tai. Qua một ngày vất vả họ lại ngồi nhâm nhi vài chén rượu dưới chiều buông hay đêm trăng rắc vàng trên mặt đầm, thủ thỉ với nhau chuyện đời. Quy Nhơn, từ những góc nhỏ như thế đã ăn sâu vào trí nhớ. Năm 2011, khi sang Thái Lan học cao học nghệ thuật thị giác, nỗi nhớ về những tháng ngày gắn bó với phố biển trở thành nguồn cảm xúc để tôi thực hiện loạt tranh với chủ đề “Phố & nỗi nhớ của tôi””.
Bao nhiêu năm tháng gắn bó với Quy Nhơn, nhìn ngắm phố qua bốn mùa mưa nắng, qua luân chuyển đêm ngày, qua bao biến đổi xoay dời đã tích lũy trong anh nhiều tầng ký ức. Họa sĩ sử dụng những ô cửa, những con đường, góc phố, ánh nắng hắt lên từ phía hừng đông hay khi chiều muộn để thả vào đó những suy tưởng, đắp lên đó những gam màu cảm xúc. Để lắng lòng nghe sự trôi chảy của thời gian… Tôi không dám chắc về cảm xúc của mình, vì rằng, tôi quá đỗi yêu mến thành phố của tôi, nên nhiều lần cù rủ một số bạn bè ở xứ khác cùng xem tranh của Nguyễn Văn Cần, mong sẽ khách quan hơn. Những góc phố, con người, những sắc độ Quy Nhơn trong tranh của Cần, khiến người xem có cảm giác như đi lạc về miền ký ức của chính mình, thấy mình là một phần trong đó… Và những người bạn của tôi thường cũng chia sẻ rằng, xem tranh của Cần có thể không nắm bắt hết, nhưng có một điều rất chắc chắn là họ yêu thành phố này hơn.
Tác phẩm Nắng qua vùng lũ của họa sĩ Nguyễn Văn Cần.
Họa sĩ Nguyễn Văn Cần tâm sự: “Loạt tranh “Phố & nỗi nhớ của tôi” có 35 bức, chủ yếu vẽ trong 2 năm 2011 và 2012. Trong nhiều góc độ về Quy Nhơn, mình có ấn tượng đặc biệt với khu nhà rầm ven đầm Thị Nại. Những phận người mưu sinh bên mép sóng, cảnh sắc nhịp sống biển về đêm… cứ vây lấy tạo cho mình nhiều suy ngẫm”.
Dòng cảm xúc về phố vẫn còn ăm ắp trong họa sĩ nên cứ túc tắc, tranh về phố và biển Quy Nhơn lặng lẽ ra đời. Tác phẩm “Nắng qua vùng lũ” là một vệt lặng lẽ như vậy. Với gam màu vàng điểm nâu, xanh, tổng thể bức tranh ta thấy ánh nắng trải vàng trên con phố. Hình tượng chính của tranh là hình ảnh quen thuộc của phố - Nhà thờ Lớn Quy Nhơn. Xung quanh nhấp nhô những mái nhà, ô cửa… Thành phố đang hồi sinh sau cơn bão. Hình ảnh những anh công an, bộ đội ẩn hiện trên con phố cùng chị lao công đang giúp dân đưa người già qua đường, di chuyển đồ đạc và làm sạch những con đường… hết thảy tạo sự cộng hưởng mạnh với người xem.
Nói về bức tranh này, anh phấn khởi: “Tác phẩm được chọn dự treo Triển lãm khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên mở rộng năm 2017 ngay tại TP Quy Nhơn. Ngày 5.10 vừa rồi, tác phẩm được Bảo tàng lịch sử Lực lượng vũ trang Việt Nam duyệt, được dự treo trong triển lãm về đề tài lực lượng vũ trang tại TP Hồ Chí Minh (triển lãm tổ chức định kỳ 5 năm/lần)”.
Công việc của họa sĩ Nguyễn Văn Cần ngày một nhiều hơn với việc giảng dạy cùng công tác quản lý. Dù vậy, anh luôn dành một phần thời gian cho sáng tác. Cùng với sự nghiêm cẩn, dường như việc anh ấp ủ cảm xúc thường xuyên với phố khiến tranh của anh ngày một đằm sâu, quyến rũ.
VÂN PHI