Vân Canh phát huy vai trò người có uy tín
Nhiều năm qua, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Vân Canh đã phát huy tốt vai trò cầu nối, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước, góp phần giữ bình yên cho tuyến núi.
Huyện miền núi Vân Canh giáp ranh với 2 huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) và huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai), dân số trên 29.000 người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm trên 40%. Do trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, ý thức chấp hành pháp luật của bà con hạn chế nên một số tập tục lạc hậu chưa được xóa bỏ; tình hình ANTT còn diễn biến phức tạp, nhất tình trạng tuyên truyền phát triển đạo trái phép.
Hạt nhân của làng
Chúng tôi đến thăm xã Canh Hòa, địa phương tiếp giáp huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Đi đến làng nào của xã cũng bắt gặp những ngôi nhà mới khang trang, đường làng sạch sẽ, hầu hết được bê tông hóa. Tại làng Canh Phước, đầu làng là 2 ngôi trường mẫu giáo và tiểu học kiên cố, cuối làng là nhà rông mới được xây dựng. Bộ mặt của làng rất khởi sắc, không gian yên bình. Ít ai nghĩ, nơi đây đã từng là điểm nóng về tình hình ANTT, tuyên truyền phát triển đạo trái phép.
CA huyện Vân Canh làm việc với Ban quản lý làng Canh Phước (xã Canh Hòa) và những người có uy tín để nắm tình hình của làng.
Thời gian qua, các già làng, trưởng làng, người có uy tín của làng Canh Phước là những người có công đầu trong việc giúp bà con dân làng cùng nhau thực hiện điều hay, lẽ phải, từ bỏ những tập tục lạc hậu, nêu cao cảnh giác với kẻ xấu. Vai trò của các già làng, trưởng làng càng có điều kiện phát huy khi CA huyện Vân Canh vận động bà con thực hiện tốt phong trào “3 không” (không để Fulro, Đề Ga móc nối hoạt động; không để tôn giáo tuyên truyền phát triển trái phép; không để tập tục lạc hậu phục hồi, phát triển và nhân dân tự giải quyết các mâu thuẫn xảy ra ở cơ sở).
Ông Trần Văn Lũ, già làng Canh Phước, tự hào nói: “Đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở làng đã đổi thay rõ rệt là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Do vậy mà bà con luôn đoàn kết làm ăn, cùng nhau bảo vệ ANTT trong làng. Không gì có thể lọt qua tai mắt của nhân dân trong làng”.
Trưởng làng Canh Phước Mang Hùng chia sẻ, làng có được sự khởi sắc như hôm nay, dân làng có những thay đổi, nhận thức tốt hơn là nhờ vào việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục của những già làng, người có uy tín.
Tại làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận), ông Đinh Văn Dũng - người có uy tín của làng - không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, mà còn tích cực vận động người dân trong làng thực hiện tốt các chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, ông Dũng cũng là người rất tâm huyết với việc giữ gìn các giá trị truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Cùng với cấp ủy và chính quyền địa phương, trong những năm gần đây, ông Dũng đã tích cực vận động người dân khôi phục các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Bana, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Hiện nay làng Hà Văn Trên đã có hẳn một câu lạc bộ dệt thổ cẩm, với các thành viên là phụ nữ trong làng.
Cầu nối với nhân dân
Trung tá Nguyễn Văn Châu, Đội trưởng Đội xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT, CA huyện Vân Canh, cho biết: “Toàn huyện có trên 100 già làng và người có uy tín. Đây là những hạt nhân tích cực, làm nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “3 không”. Các già làng, người có uy tín cùng ban quản lý làng đã chủ động ngăn chặn có hiệu quả nhiều vụ kẻ xấu xâm nhập vào làng tuyên truyền phát triển đạo trái phép; kịp thời hòa giải thành công nhiều mâu thuẫn xảy ra trong nội bộ dân làng, góp phần cho các làng có cuộc sống bình yên”.
Theo Ban Dân vận Huyện ủy Vân Canh, phong trào “3 không” lúc đầu được triển khai thực hiện tại làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận) sau đó nhân ra rộng khắp các làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, phong trào được triển khai ở 28 làng, đem lại hiệu quả thiết thực. Phong trào đã thực sự phát huy vai trò của các già làng, trưởng làng, những người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động người dân và trở thành mô hình “Dân vận khéo”.
Bí thư Huyện ủy Vân Canh Lê Bá Thành đánh giá: “Nhiều năm qua, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người dân trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương, qua đó góp phần phát triển KT-XH của địa phương, giữ bình yên cho cuộc sống người dân ở các thôn, làng”.
BÁ TRÍ