Cho mai vàng khoe sắc
Cùng với việc hướng dẫn người dân chuyển sang canh tác theo hướng an toàn, TX An Nhơn đang triển khai Ðề án phát triển cây mai vàng Nhơn An nhằm nâng cao giá trị loại cây trồng này gắn với việc bảo vệ môi trường.
Từ năm 2010, nhiều hộ chuyên trồng mai ở TX An Nhơn đã áp dụng hiệu quả quy trình trồng mai sạch thâm canh theo hướng hàng hóa bằng việc áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp; thay thế các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng chế phẩm sinh học, hoặc hóa chất ít độc hại hơn.
Nhiều diện tích đất sản xuất lúa dọc theo tuyến tỉnh lộ 631 thuộc địa bàn thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, TX An Nhơn đã được người dân sử dụng để trồng mai.
Ông Nguyễn Trí Tuấn, chủ vườn mai Tuấn Ngọc, ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An là người đã áp dụng tốt quy trình nói trên. Ông Tuấn cho biết: “Gia đình tôi có hơn 700 gốc mai bonsai được trồng trong nhà lưới. Tôi thường ủ phân vi sinh kết hợp với xơ dừa và đất; sử dụng chế phẩm sinh học trong việc phòng ngừa sâu bệnh; dùng hệ thống lọc xử lý nước tưới cho cây; làm nhà lưới… là cách tôi thay đổi từ trồng mai truyền thống sang trồng mai theo hướng an toàn. Cái lợi trước mắt là giảm chi phí mua thuốc BVTV, giảm việc tiếp xúc trực tiếp với hóa chất BVTV, cải thiện môi trường trong chính khu vườn của mình”.
Tuy vậy, không phải hộ trồng mai nào cũng làm được như ông Tuấn. Phần lớn mai của người dân TX An Nhơn được trồng trong vườn nhà với số lượng lớn. Trong khi loại cây trồng này có nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại, nên có không ít hộ đã sử dụng thuốc BVTV bừa bãi để phòng trị, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng và cả chính người trồng mai. Đó cũng là một trong những lý do mà nhiều hộ đã chuyển khu vực canh tác từ trong khu dân cư ra các đám ruộng dọc theo tỉnh lộ 631.
Ông Nguyễn Văn Minh, ở thôn Háo Đức, cho biết: “Vì vườn nhà quá chật hẹp, hơn nữa sợ phun thuốc sâu nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nên tôi đã chuyển 1.000 trong số 3.000 cây mai từ vườn nhà ra ruộng lúa thuộc thôn Thanh Liêm để trồng và chăm sóc”. Cạnh ruộng mai của ông Minh là ruộng mai 2.600 gốc của ông Đinh Quốc Tuấn ở thôn Thanh Liêm. Ông Tuấn cho biết: “Ngoài 2 sào ruộng sản xuất lúa của gia đình, tôi còn thuê 1 sào với giá 5 triệu/năm để trồng mai. Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, tôi xuất bán được hơn 500 cây, thu được trên 300 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Văn Minh, ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An chăm sóc mai.
Ông Nguyễn Tấn Đức, Chủ tịch UBND xã Nhơn An, cho hay: Toàn xã có 1.500 hộ trồng mai với khoảng 477 nghìn cây. Mai đã trở thành nguồn thu nhập chính, góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển. Tuy vậy, tác hại từ trồng và chăm sóc mai cũng không nhỏ, nhất là đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường. Hiện có 20 hộ gia đình đã chuyển mai từ vườn nhà ra đồng.
Để nâng cao giá trị cây mai vàng gắn với việc đảm bảo môi trường, TX An Nhơn đã phối hợp với Sở NN&PTNT xây dựng Đề án phát triển làng nghề sản xuất cây mai vàng Nhơn An. Theo đề án, sẽ hình thành vùng sản xuất cây mai vàng tập trung trên địa bàn xã Nhơn An và Nhơn Phong với quy mô 75 ha, trong đó tại xã Nhơn An quy hoạch 45 ha ở các thôn: Háo Đức, Trung Định, Thanh Liêm, Thuận Thái; 30 ha tại thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong để di chuyển mai từ vườn nhà, trong khu dân cư ra khu vực quy hoạch. Tại 2 vùng quy hoạch này sẽ xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống điện lưới, kênh mương để phục vụ trồng và chăm sóc mai; thành lập 2 HTX kiểu mới để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Đào Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết: “Ngày 2.10.2019, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thuộc Đề án. Theo đó, tại xã Nhơn An sẽ đầu tư xây dựng 12 tuyến đường giao thông dài 7,79 km; 7 tuyến kênh mương thủy lợi dài 2,8 km và 2 trạm biến áp cùng hệ thống đường dây điện phục vụ sản xuất mai. Còn tại xã Nhơn Phong, đầu tư 1 trạm biến áp và hệ thống đường dây điện phục vụ sản xuất và điện chiếu sáng dọc theo các tuyến đường trục chính. Tổng mức đầu tư dự kiến 46,753 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách tỉnh, ngân sách thị xã, ngân sách các xã và các nguồn vốn khác. Thời gian thực hiện đầu tư từ năm 2020 - 2022. Chúng tôi sẽ phổ biến cho chính quyền và người dân các địa phương biết, đồng thời từng bước triển khai thực hiện đề án. Với việc thực hiện đề án này, hy vọng sẽ tăng thêm giá trị cây mai vàng từ 20 - 30%, hạn chế thuốc BVTV, góp phần nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.
PHẠM TIẾN SỸ