Niềm vui chung của mỹ thuật Bình Định
Họa sĩ Lê Thị Tuấn và nhà điêu khắc Nguyễn Thế Trường vừa được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ðây không chỉ là vinh dự của riêng hai nghệ sĩ, mà cũng là niềm vui chung của mỹ thuật Bình Ðịnh.
Họa sĩ Lê Thị Tuấn và tác phẩm “Mùa thay lá”.
Lê Thị Tuấn & nghệ thuật truyền thống
Năm 1980, Lê Thị Tuấn tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Huế và vào công tác tại trường Văn hóa nghệ thuật Nghĩa Bình, sau đó chuyển về phòng Thông tin - Cổ động của Sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình. Họa sĩ Lê Thị Tuấn kể: Những năm tháng mới “chân ướt, chân ráo” vào Quy Nhơn bao khó khăn, vất vả đã đè nặng lên vai người con gái xứ Huế… Công việc tại Phòng Thông tin - Cổ động khá bề bộn, vừa phải “lo chuyện áo cơm”, nên quỹ thời gian dành cho sáng tác rất ít…
Khoảng những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi công việc và cuộc sống gia đình đã khá ổn định, Lê Thị Tuấn mới thực sự cầm cọ trở lại. Năm 1995, chị quyết định thi vào Đại học Mỹ thuật Huế để học hỏi, trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, đồng thời “hâm nóng” lại cảm hứng sáng tạo. Từ đây, Lê Thị Tuấn tranh thủ thời gian đi thực tế, ghi chép, ký họa và thể nghiệm việc sáng tác bằng chất liệu sơn dầu, điển hình là các tác phẩm: Thu hoạch dừa, Làm gốm, Thả diều…
Thế nhưng, sau một thời gian thử nghiệm, Lê Thị Tuấn nghiệm ra một điều: Chất liệu sơn dầu không hợp với “cái tạng” của chị và không giải quyết được những ý tưởng sáng tạo cá nhân. Và Lê Thị Tuấn đã quay lại với khắc gỗ - môn nghệ thuật truyền thống mà chị từng đam mê khi học ở Trường Mỹ thuật Huế. Họa sĩ Lê Thị Tuấn tâm sự: “Khi thực hiện một bức tranh khắc gỗ, mình thấy tự do hơn, bay bổng hơn, sau mỗi nhát đục có cảm giác như lách vào từng thớ gỗ… Đến khi lăn ru-lô màu lên giấy - gỗ mình có cảm giác như ý tưởng sáng tạo đang tuôn trực tiếp từ bàn tay, khối óc qua các dụng cụ truyền tới xớ giấy, thớ gỗ. Nó thăng hoa lắm!”.
Có lẽ vì thế mà hầu hết các tác phẩm thành công của họa sĩ Lê Thị Tuấn đều là tranh khắc gỗ, như: Lọ hoa (2009), Thuyền (2010), Chiều trên biển (2013), Bến xưa (2015), Xưởng đóng tàu (2017), Hoa súng tím (2018), Mùa thay lá (2019)… Trong số này, tác phẩm Xưởng đóng tàu và Mùa thay lá đã đạt giải C Mỹ thuật tỉnh Bình Ðịnh và được giới thiệu tham dự giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (các năm 2017, 2019)…
Về kế hoạch trong thời gian tới, họa sĩ Lê Thị Tuấn cho biết: Chị sẽ tiếp tục sáng tác bằng chất liệu khắc gỗ truyền thống. Đề tài vẫn là những hình ảnh lao động, sản xuất của những người dân bình dị, “chân lấm, tay bùn”.
Nguyễn Thế Trường qua ký họa của Viết Hiền và tác phẩm “Oai vệ”.
Sắt, thép Nguyễn Thế Trường
Mê vẽ từ nhỏ song “con đường khoa cử” của Nguyễn Thế Trường khá lận đận. Từ năm 2002 đến 2005, 3 lần “lều chõng đại học” không thành, Thế Trường học Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương. Tốt nghiệp, anh quyết định theo thầy Lê Lang Biên, vừa là phụ giúp thầy làm những công trình, dự án điêu khắc, tượng đài, vừa học nghề… Đầu năm 2010, Thế Trường quyết định “lều chõng” lần nữa và đã thi đậu vào Khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Vừa học, Thế Trường vừa tranh thủ sáng tác. Nhờ vậy, từ năm 2010 Trường đã có tác phẩm tham gia các triển lãm mỹ thuật. Năm 2017, Thế Trường trở về Bình Định làm việc. Nguyễn Thế Trường cho biết: Qua một thời gian thể nghiệm các chất liệu gỗ, đá, đồng, nhôm, sắt, thép… tôi nhận thấy mình có thế mạnh, phù hợp với chất liệu sắt, thép, khi thực hiện tác phẩm, cảm xúc nghệ thuật của tác giả được truyền trực tiếp vào chất liệu…
Về quan niệm nghệ thuật, nét nổi trội ở hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Thế Trường là những hình ảnh hết sức gần gũi với đời thường, thăng hoa nhờ những đường nét được cách điệu và lối tạo hình khúc chiết, với cách chặt khối táo bạo và cách tạo khối âm, khối dương khéo léo, hài hòa…
Điều đáng ghi nhận là Nguyễn Thế Trường liên tục có tác phẩm được chọn tham gia các cuộc Triển lãm Mỹ thuật và một số tác phẩm được giới chuyên môn ghi nhận, đánh giá cao. Theo đó, năm 2015, tác phẩm “Vũ điệu dân tộc” (chất liệu gỗ) của Nguyễn Thế Trường đọat giải Nhất trẻ triển vọng Triển lãm Mỹ thuật Bình Định; còn tác phẩm “Đả thép” (chất liệu sắt hàn) được chọn Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Tiếp đó, năm 2016 tác phẩm “Oai vệ” (sắt hàn) của Thế Trường đã đoạt giải C Mỹ thuật Bình Định… Trao đổi với PV Báo Bình Định, Nguyễn Thế Trường vui vẻ cho biết: Đối với tôi, trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam là một niềm vinh hạnh lớn. Đây là động lực để tôi tiếp tục sáng tác.
VIẾT HIỀN