Muối trải bạt
Để thoát khỏi tình cảnh được mùa mất giá, diêm dân buộc phải đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng hạt muối. Ở đồng muối thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh (Phù Cát), ông Lê Kim Đông, 58 tuổi là người mạnh dạn đi đầu trong đổi mới cách nghĩ, cách làm, sản xuất muối sạch bằng công nghệ trải bạt, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Ông Đông kể, từ vụ muối năm 2013, được Sở NN&PTNT tuyên truyền, vận động làm muối sạch, hỗ trợ bạt để sản xuất, ông quyết định chuyển toàn bộ ruộng muối của mình sang làm muối sạch. Kết quả mang lại rất tốt. Năm đó, sản lượng muối thu về đạt tới hơn 100 tấn, tăng 30% so với phương pháp sản xuất muối thủ công. Giá bán cũng cao hơn gần gấp đôi nên có lợi nhuận khá. Sản xuất theo phương pháp mới, muối có hạt to, đều, không lẫn tạp chất và hàm lượng NaCl cao, giúp hạt muối trắng, chắc, vị mặn đậm đà nên thị trường rất ưa chuộng.
Nhiều năm trở lại đây, muối trải bạt không lo bị ế mà lại được nhiều đại lý trong và ngoài tỉnh cam kết bao tiêu toàn bộ. “Vụ muối năm nay, trong khi muối của nhiều bà con khác trong thôn bị ế, tồn đọng nhiều thì muối của gia đình tôi được một đại lý ở tỉnh Quảng Ngãi bao tiêu với giá 1.000 đồng/kg. Nhờ vậy, tôi lãi hơn 40 triệu đồng”, ông Đông cho biết.
Sản xuất theo phương pháp mới đạt hiệu quả cao như vậy nhưng đáng tiếc, trong tổng số 42 ha ruộng muối ở xã Cát Minh, chỉ mới có 5,5 ha là muối trải bạt. Ông Trịnh Minh Bình, Chủ tịch UBND xã Cát Minh, chia sẻ: “Việc đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất muối sạch là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Do tập quán sản xuất đã lâu đời, nên dù nhận thức của diêm dân có thay đổi nhưng mức độ vẫn còn thấp. Chúng tôi đang xúc tiến hoàn chỉnh hồ sơ để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Muối Đề Gi, tích cực hỗ trợ, động viên diêm dân chuyển đổi sang phương pháp sản xuất mới. Hy vọng trong thời gian không xa sẽ chấm dứt cảnh muối được mùa mất giá”.
NGUYỄN HÂN