Nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng: Cần những thay đổi đột phá
Những năm gần đây, người trồng rừng trong tỉnh đã chú trọng nhiều hơn đến khâu chọn giống cây lâm nghiệp và cả kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng để tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, cần phải có những thay đổi đột phá nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của nghề trồng rừng.
Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có hơn 126 nghìn héc ta rừng trồng; trong đó rừng sản xuất hơn 101 nghìn héc ta, còn lại là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. 9 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã khai thác hơn 4.380 ha rừng sản xuất, được hơn 417 nghìn tấn gỗ. Cho dù tại một số thời điểm việc bán gỗ rừng trồng có khó khăn, song nhìn toàn cục, nghề trồng rừng là sinh kế tốt của nhiều hộ gia đình. Ông Nguyễn Hữu Lộc, chủ rừng ở thôn Kinh Tế, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, bộc bạch: “Tôi trồng 4,6 ha rừng sử dụng giống keo lai cấy mô, trồng khoảng 6 - 7 năm là khai thác. So với giai đoạn trồng bằng keo giâm hom, năng suất tăng cao khoảng 40 tấn/ha. Riêng tôi, khi thu hoạch rừng trồng, theo tư vấn của cán bộ lâm nghiệp, khuyến nông và tổng hợp từ nhiều nguồn khác tôi không đốt thực bì nữa mà xử lý bằng cách cho xe múc hố giặm thực bì để ủ làm phân bón nhằm bảo vệ đất trồng, bảo vệ môi trường và hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng”.
Người dân huyện Vân Canh thu hoạch rừng trồng.
Cả tỉnh hiện có hơn 140 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp, bình quân mỗi năm sản xuất gần 200 triệu cây giống; trong đó, có 3 DN, gồm: Công ty TNHH Vũ Hà, DNTN Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn chuyên sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô với năng lực gần 30 triệu cây/năm cung cấp thị trường trong cả nước.
Bà Phan Thị Hạnh, Giám đốc DNTN Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh, cho hay: “Từ lâu chúng tôi sản xuất cây giống keo lai giâm hom theo phương pháp không sử dụng túi bầu, giúp giảm chi phí vận chuyển, lại bảo vệ môi trường. Riêng giống keo lai cấy mô chúng tôi sản xuất hơn 10 triệu cây giống/năm. Sắp tới, DN đưa vào sản xuất thêm các giống cây cấy mô mới, như: Keo lá tràm, bạch đàn lai để đáp ứng nhu cầu khách hàng trồng rừng gỗ lớn, phục vụ nguyên liệu ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu”.
Đã có nhiều chuyển biến trong kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng và cả trong khâu sản xuất cây giống. Tuy vậy, dù diện tích rừng trồng trong toàn tỉnh khá lớn, nhưng người dân trồng rừng chủ yếu thu hoạch gỗ rừng trồng để bán cho các DN chế biến dăm gỗ nên hiệu quả từ kinh tế rừng còn thấp.
Ðề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2035 đề ra mục tiêu: Ðến năm 2025, diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn tập trung trong tỉnh đạt 10.000 ha và tăng lên 30.000 ha vào năm 2035; sản lượng gỗ lớn bình quân đạt 60%. Cung cấp nguyên liệu cho DN chế biến gỗ trong tỉnh đạt trên 50% (năm 2025) và cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngành chế biến đồ gỗ tinh chế (năm 2035); xây dựng và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng rừng trồng kinh doanh gỗ lớn.
Theo ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Sử dụng và phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), đến thời điểm này, toàn tỉnh đã sản xuất hơn 78.500 cây giống lâm nghiệp, trồng hơn 211 ha rừng sản xuất sau khai thác. Chi cục tăng cường công tác quản lý chất lượng cây giống lâm nghiệp, kiểm tra công tác chuẩn bị cây trồng bản địa trồng rừng năm 2019 nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng cây giống cho công tác trồng rừng; khuyến khích DN mở rộng sản xuất giống cây cấy mô, vận động người dân phát triển trồng rừng gỗ lớn…
Diện tích rừng trồng trong tỉnh lớn, nhưng phần lớn đất rừng đều giao người dân trồng rừng quy mô nhỏ lẻ, khai thác khi cây còn non - chỉ khoảng 4 - 5 năm tuổi, nên hiệu quả chưa cao, chưa phát huy giá trị rừng trồng. Nói chung là chưa đến ngưỡng sinh lợi bền vững, đa dạng. Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Hòe, Giám đốc Xí nghiệp Thắng Lợi (Công ty CP Phú Tài), tâm sự: “Tôi nghĩ, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi, khuyến khích DN liên kết với người dân sử dụng giống cây cấy mô, trồng rừng theo chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, trồng rừng gỗ lớn… Như vậy cùng một lúc, ta đạt được nhiều mục tiêu, ví dụ: Bảo vệ tài nguyên môi trường với tính ổn định cao, giữ gìn tốt hơn các thảm thực vật dưới tán rừng do đó bảo vệ tốt hơn các tầng nước ngầm. Đặc biệt, khi bán gỗ rừng trồng cho DN chế biến đồ gỗ xuất khẩu, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều so với bán cho các DN chế biến nguyên liệu giấy”.
Nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng theo hướng bền vững, tỉnh đã ban hành Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2035, tuy nhiên để người trồng rừng ủng hộ, hưởng ứng thực hiện Đề án ở những năm đầu, cùng với việc tuyên truyền, động viên, khuyến khích, có lẽ cần có những động thái hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN