Bệnh Whitmore - không nên quá lo lắng
Hiện có 2 bệnh nhân mắc bệnh Melioidosis (còn gọi là Whitmore) được điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Trao đổi nhanh cùng PV Báo Bình Ðịnh, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng khẳng định, Whitmore là bệnh nhiễm trùng cơ hội, không dễ mắc, ít gặp ở người có sức khỏe bình thường. Bệnh không dễ dàng lây lan, vì vậy người dân không nên quá lo lắng.
* Rất nhiều người đang lo lắng trước nhiều luồng thông tin cho rằng, Whitmore là bệnh do “vi khuẩn ăn thịt người” gây ra, thưa ông?
- (Cười lớn) Y khoa đã biết bệnh Whitmore từ rất lâu rồi. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn gặp ở người và động vật, do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei có trong đất và nước không sạch, chủ yếu lây truyền qua các vết trầy xước khi tiếp xúc với đất và nước bị nhiễm khuẩn. Bệnh rất hiếm khi lây từ người sang người. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng. Ở trẻ em, thường có triệu chứng sốt cao, nhiễm trùng nhiễm độc và biểu hiện sưng tuyến mang tai thường gặp hơn các triệu chứng khác. Ở người lớn, bệnh cảnh phổ biến nhất là viêm phổi, sau đó tới viêm da, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng huyết...
* Thế nhưng, hiện nay tỷ lệ ghi nhận bệnh nhân tử vong do Whitmore vẫn còn cao?
- Bản chất của vi khuẩn này không gây ra dịch bệnh mà gây ra ca bệnh tản phát, dẫn tới những bệnh cảnh lâm sàng nặng như nhiễm trùng huyết, tổn thương tại chỗ, đặc biệt tổn thương vào phổi giống như là tụ cầu của bệnh lao nên dễ nhầm lẫn về chẩn đoán.
Người khỏe mạnh vẫn có thể mắc bệnh, nhưng những trường hợp nặng, dẫn đến tử vong chủ yếu là những người đã mắc sẵn các bệnh như: Đái tháo đường, bệnh gan, bệnh thận, bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), ung thư, các bệnh phổi mạn tính như phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản… Hiện nay, việc điều trị Whitmore thực hiện bằng kháng sinh thích hợp trong 10 – 14 ngày, sau đó tiếp tục dùng kháng sinh 3 - 6 tháng. Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài nên không ít bệnh nhân bỏ cuộc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị khiến tỷ lệ tử vong do Whitmore còn cao.
Bệnh nhi mắc bệnh Whitmore đang được điều trị tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa.
* Vậy làm thế nào để phát hiện sớm, điều trị kịp thời Whitmore?
- Tôi xin nhắc lại rằng, đây là căn bệnh nhiễm trùng cơ hội, không dễ mắc, không dễ dàng lây lan, không trực tiếp lây từ người qua người. Các biểu hiện nhiễm trùng tại chỗ của bệnh gồm: Đau hoặc sưng tại chỗ; sốt, loét, áp xe. Biểu hiện của viêm phổi: Ho, đau ngực, sốt cao, đau đầu, biếng ăn. Biểu hiện của nhiễm khuẩn máu: Sốt, đau đầu, khó thở, chướng bụng, đau khớp, rối loạn ý thức. Biểu hiện của nhiễm trùng hệ thống: Sốt, sụt cân, đau ngực, đau cơ, đau khớp, co giật.
* Vì sao gần đây bệnh Whitmore được báo cáo có xu hướng gia tăng, và ta nên làm gì để phòng bệnh?
- Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore. Vi khuẩn gây nên bệnh có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn, hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.
Gần đây các ca bệnh Whitmore được báo cáo có xu hướng gia tăng bởi đang vào mùa cao điểm, bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, từ tháng 7 - 11. Những người làm việc tiếp xúc nhiều với môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, đi ủng để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn từ đất và nước; nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để. Những người mắc bệnh đái tháo đường, thận và các bệnh mãn tính có nguy cơ như đã nói ở trên tránh tiếp xúc với các nguồn đất, nước bị ô nhiễm.
* Cảm ơn ông!
MAI HOÀNG (Thực hiện)