Lại vang lên tiếng cồng chiêng
Bắt đầu sinh sống ổn định ở 2 làng Gò Gia Trung, xã Cát Sơn và làng Trà Hương, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát vào năm 2000 nhưng phải đến năm 2008, tiếng cồng chiêng của người Bana xứ Cát mới bắt đầu vang vọng trở lại. Ðồng bào Bana nơi đây bảo nhau cùng gìn giữ và nhắc nhở con cháu nối tiếp văn hóa truyền thống, đặc biệt là cồng chiêng.
Người Bana huyện Phù Cát trình diễn tại Liên hoan cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ I - năm 2019.
Đến làng Gò Gia Trung, xã Cát Sơn khoảng 9 giờ sáng, làng lặng im, vắng hoe, những người già ở đầu làng bảo, người lớn lên rẫy hết rồi, đám con cháu trẻ thì đi làm ăn, ở làng phần nhiều là người già. Vì bọn trẻ thường đi làm xa nên làng phải đặt quy định thời gian luyện tập cồng chiêng thật cụ thể để chúng về làng. Và việc luyện tập thường diễn ra vào buổi tối thôi!
Ông Đinh Vừng, trưởng làng Gò Gia Trung, chia sẻ: Năm 2008, hai làng chúng tôi mới luyện tập cồng chiêng trở lại. Bỏ lâu nên tập lại cũng khó đấy. Nhưng người làng vẫn bảo nhau, khó cũng phải tập cho thanh niên để còn giữ vốn quý của ông bà. Cũng nhờ tỉnh tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao miền núi 2 năm 1 lần nên chúng tôi mới có thêm động lực để giữ gìn cồng chiêng. Mới đây, được tỉnh tặng cồng chiêng mới, chúng tôi ai cũng tự thấy phải có trách nhiệm nhắc nhở con cháu luyện tập giữ gìn, đứa nào không muốn cũng phải tập, ban đầu tập đương nhiên là thấy khó nhưng sau khi tập được rồi sẽ ham thích. Mà giờ chúng ham thích thật. Vừa rồi, tỉnh tổ chức liên hoan cồng chiêng, người già gọi thanh niên đi làm ăn xa về tập, tất cả những thanh niên được gọi đều có mặt đầy đủ. Chúng hăng hái lắm, cả làng ai cũng vui, người già vui nhiều nhất!
Nghe tôi hỏi chuyện cồng chiêng, ông Trần Văn Miên, trưởng làng Trà Hương, xã Cát Lâm, tâm tình: Khác với Vĩnh Thạnh, Vân Canh, ở Phù Cát người Bana chỉ có 2 làng với khoảng 100 nhân khẩu nên mỗi lần tham gia trình diễn bên ngoài làng là đoàn chúng tôi như cái nhà giữ trẻ liền. Làng chúng tôi ít người, nhỏ quá, hễ đi xa là phải mang trẻ nhỏ theo vì ở nhà không ai trông nom. Nhưng cũng vì thế mà đoàn Phù Cát vui nhộn hơn mọi đoàn, bọn trẻ như được đi chơi và sớm quen với không gian văn hóa lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Người Bana ở Phù Cát không đông nên càng phải đoàn kết để giữ gìn bản sắc của dân tộc mình.
Ông Miên kể thêm: Mấy năm trước làng mình không có cồng chiêng, những dịp lễ hội, cần thực hiện một số nghi thức phải mượn cồng chiêng của già Quý. Trước khi qua đời, già tặng lại cho làng, đến lúc đó làng mới có một bộ cồng chiêng. Mới đây, tỉnh lại tặng thêm cho làng một bộ nữa, nên mọi thứ cũng dễ dàng hơn. Người già ở làng đang định mỗi tháng phải tổ chức sinh hoạt một lần để bọn trẻ làng quen và thêm yêu cồng chiêng. Từ ngày có cồng chiêng tỉnh tặng, làng tôi vui hẳn lên, ai cũng phấn khởi!
Là người trở về Phù Cát khá sớm, năm 1996, ông Đinh Thơm, già làng làng Gò Gia Trung kể: Ngày trước, khi còn sinh sống ở phía xa, trên hồ Hội Sơn, làng tôi không có cồng chiêng để sinh hoạt. Năm 1997, nhân dịp đám cưới con trai tôi, tôi bàn với vợ, mình cố gắng mua một bộ cồng chiêng để tổ chức lễ cưới cho con, như vậy mới có cái hồn người Bana. Sau này bộ cồng chiêng của gia đình tôi được cả làng dùng chung để luyện tập và đi thi, gia đình tôi rất vui vì điều này!
Là một trong những người lớn tuổi và am hiểu cồng chiêng của làng, vừa kể những kỷ niệm cũ ông Thơm vừa vui vẻ khoe, thanh niên ở làng mình giờ ham thích chơi cồng chiêng lắm, có một số có năng khiếu tốt, sau này sẽ rất giỏi, như mấy đứa: Đinh Văn Hoan, Đinh Văn Hiền, Đinh Văn Toàn... sau này sẽ phát triển tốt. “Tôi biết đánh cồng chiêng khi mới mười mấy tuổi và cũng thường xuyên tham gia đánh cồng chiêng ở các ngày hội, không thể nói cồng chiêng khó hay dễ mà đó là bản sắc của dân tộc mình thì phải cố gắng gìn giữ” - anh Đinh Văn Toàn (27 tuổi, làng Gò Gia Trung, xã Cát Sơn) chia sẻ.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Phù Cát, cho biết: Năm 2008, khi tỉnh tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi, huyện thường xuyên phối hợp với địa phương để vận động người dân luyện tập cồng chiêng, dù ban đầu có khó khăn nhưng đến nay ý thức của người dân đã dần nâng cao, họ đã tự nhắc nhở và luyện tập cho con cháu của mình.
Khi tôi chào mọi người để ra về, hết sức chân thành, không chỉ những người già mà cả một số thanh niên cũng bịn rịn: Hôm nhận quà cồng chiêng người làng đã cảm ơn rồi! Nhưng nay vẫn muốn nhờ cô nhà báo viết dùm cho làng chúng tôi thêm một lần nữa, rằng, người Bana ở Phù Cát cảm ơn lãnh đạo tỉnh nhiều lắm! Nhờ tỉnh tặng cho cồng chiêng mà giờ làng chúng tôi rất vui, rất phấn khởi!
THẢO KHUY