Hàng ngàn nhân viên ngân hàng mất việc
Không chỉ cắt thưởng, sau nhiều năm khó khăn, các ngân hàng (NH) đã buộc phải mạnh tay sa thải hàng loạt nhân viên ngay cận kề cuối năm khi kết quả kinh doanh giảm sút nghiêm trọng.
Hơn 700 nhân viên NH Á Châu (ACB) đã mất việc trong quý 3 khi ACB mạnh tay cắt giảm nhân sự. Eximbank cũng gây “sốc” khi có thông tin NH này sẽ cắt giảm hàng ngàn nhân viên.
Trước đó trong sáu tháng đầu năm nay, tại Vietinbank, BIDV, ACB và SHB đã có gần 1.200 nhân viên buộc phải “ra đi” với nhiều lý do khác nhau.
“Tự nguyện xin nghỉ việc”
Hai tháng trước, anh B. - nguyên trưởng phòng giao dịch một NH cổ phần nhỏ - đã tự viết đơn xin nghỉ việc. “Tôi buộc phải làm thế vì không biết cách nào để hoàn thành chỉ tiêu không tưởng từ trên ấn xuống” - anh B. nói.
"Hồi trước có việc làm nhiều, bây giờ không có việc, chỉ ngồi không mà vẫn lãnh lương thì xót chứ. Một ngày chậm cắt giảm nhân sự NH mất biết bao nhiêu tiền, một gánh nặng trong thời buổi khó khăn này"
Ông Lê Hùng Dũng (chủ tịch HĐQT Eximbank)
Trong vòng ba năm qua anh B. đã mất việc đến ba lần và bắt đầu thấm thía nghề NH. Nhiều nhân viên NH này cũng phải xin nghỉ việc vì hàng loạt lý do trời ơi: NH tìm kiếm lỗi ISO để kiếm cớ đuổi, có trường hợp phạm lỗi nghiệp vụ nhỏ nhặt cũng bị cho nghỉ.
“NH có 1.001 chiêu để đuổi lao động, có trường hợp đang làm quản lý bị giáng cấp để người lao động thấy “nhục” mà nghỉ, có trường hợp được thăng cấp nhưng lại bị giao chỉ tiêu ở mức không tưởng để người lao động không làm được, buộc phải viết đơn xin nghỉ việc” - anh B. nói.
Nhưng đơn giản nhất là đánh vào lương. Anh T. - cũng vừa tự viết đơn xin nghỉ việc ở NH mà mình đã gắn bó suốt ba năm - cho biết chỉ tiêu kinh doanh NH đề ra quá cao mà trong bối cảnh khó khăn như hiện nay chắc chắn là không đạt, bị cắt lương kinh doanh và chỉ còn nhận lương cứng 3 triệu đồng/tháng.
“Mức này không thể nào xoay xở đủ tiền nhà, tiền điện, nước, tiền gửi con nên tôi tự rút lui để kiếm cơ hội khác” - anh T. nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Toại - phó tổng giám đốc ACB - cho biết số nhân viên ra đi trong quý 3 thuộc ba nhóm.
Nhóm 1 là những nhân viên thấy thu nhập quá thấp do kết quả kinh doanh không như ý, tìm được cơ hội tốt hơn, thu nhập cao hơn nên đã tự xin nghỉ.
Số khác là nhân viên thử việc, NH tuyển để chuẩn bị cho việc mở chi nhánh, phòng giao dịch nhưng do NH không được phép mở thêm nên buộc phải cho nghỉ. Số còn lại không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh nên tự xin nghỉ.
“Trước đây kinh tế tốt, NH tăng chi nhánh, phòng giao dịch nên có nhu cầu tuyển thêm nhân viên. Nay do kinh tế suy giảm, NH phải thu hẹp hoạt động kinh doanh” - ông Toại nói.
Trước đó, sau sự kiện bầu Kiên bị bắt vào tháng 8-2012, lãnh đạo NH tự nguyện giảm 25% lương nhằm bù đắp quỹ lương thay vì cắt giảm nhân viên.
“Việc này nhằm tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên có thời gian suy xét kỹ hơn, những ai tìm được môi trường tốt hơn thì tự xin nghỉ, thay vì NH chủ động cắt giảm sẽ gây sốc cho cán bộ nhân viên” - ông Toại cho biết.
Thuyên chuyển trái khoáy
Một trong những “chiêu” mà NH dùng để ép nhân viên xin nghỉ việc là thuyên chuyển trái khoáy. Nhân viên một NH từng gửi email nặc danh “tố” NH cắt giảm nhân sự ồ ạt và hành xử lạnh lùng với nhân viên khi buộc họ thôi việc.
Cụ thể, phòng nhân sự của NH gọi nhân viên lên rồi thông báo tình hình tài chính chín tháng đầu năm hoạt động không tốt nên phải cắt giảm nhân sự và các anh chị là những người bị cắt giảm, dù chưa hết thời hạn hợp đồng lao động.
Email này cũng tố các nhân viên của NH này bị phòng nhân sự ép viết đơn xin nghỉ thay vì thông báo sa thải để tránh phải bồi thường theo hợp đồng lao động.
Người gửi thư tố cáo còn cho biết NH chỉ cho họ ba ngày để viết đơn xin nghỉ việc. Phòng nhân sự đưa ra hai phương án. Một là tự viết đơn xin nghỉ. Hai là sẽ bị thuyên chuyển vị trí công tác một cách trái khoáy và giảm hơn 50% lương nếu không đồng ý phương án thứ nhất.
Tuy nhiên, trả lời báo chí về nội dung tố cáo, lãnh đạo NH này không thừa nhận nhưng cho rằng luân chuyển nhân sự là chuyện hết sức bình thường đối với doanh nghiệp, đặc biệt là ngành NH. Nhưng NH này thừa nhận đã tiến hành đánh giá nhân sự thường niên và dự định điều chuyển một số nhân sự cho phù hợp với yêu cầu của hệ thống, trong dịp này có một số nhân viên đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ việc với lý do cá nhân.
Cũng liên quan đến chuyện thuyên chuyển, ông Lê Hùng Dũng - chủ tịch HĐQT Eximbank - cho biết bản thân NH này cũng bị phản ứng khi điều chuyển nhân viên từ “phòng máy lạnh” - hội sở chính ra bộ phận kinh doanh trực tiếp. “Một số người đang làm ở quận 1, bây giờ chuyển sang quận 2 thì kêu với lý do không phù hợp là một phản ứng bình thường” - ông Dũng nói.
Con sếp cũng đi bán hàng
Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh thông tin tinh giản nhân viên hiện nay, ông Lê Hùng Dũng thừa nhận đang thực hiện kế hoạch cắt giảm nhân sự do hoạt động kinh doanh chung gặp khó khăn.
“Những năm trước làm ăn được, chúng tôi tuyển dụng nhiều, đặc biệt là bộ phận gián tiếp. Năm nay kinh doanh khó khăn, bộ máy cũ đã trở nên cồng kềnh, việc cắt giảm nhân sự là bình thường” - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, muốn cắt giảm nhân sự để sắp xếp lại bộ máy, trước hết hội sở phải làm gương. Do đó, Eximbank đã lên kế hoạch điều chuyển khoảng 300 nhân viên trong số 1.000 nhân viên tại hội sở xuống các chi nhánh, phòng giao dịch.
Kế hoạch này đã bắt đầu triển khai từ đầu tháng 9-2013 nhưng theo ông Dũng, chỉ mới có 48 nhân viên bị chấm dứt hợp đồng.
“Nếu bố trí lại công việc khác, hơi cực nhọc một tí mà anh kêu la thì chúng tôi chấp nhận cho nghỉ việc chứ không có giải pháp nào khác. Cũng có người gọi điện cho tôi hỏi sao cho con họ đi bán hàng, tôi bảo bán hàng có gì là xấu, ngay cả con gái tôi cũng đi bán hàng vậy” - ông Dũng nói và cho biết về lâu dài, các chi nhánh và phòng giao dịch của Eximbank nếu hoạt động không hiệu quả, thừa người thiếu việc thì cũng sẽ được tinh giản cho gọn lại.
Hiện nay ngoài hội sở Eximbank, một số chi nhánh cũng đã và đang thực hiện việc cắt giảm nhân sự như chi nhánh Mỹ Tho (đã cắt giảm 10%), chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu, chi nhánh Đống Đa và chi nhánh Ba Đình (Hà Nội)...
“Tùy theo từng chi nhánh và phòng giao dịch mà chúng tôi thực hiện tinh giản nhân sự song song hoặc sau hội sở. Nếu nhìn vào thấy kết quả kém so với bộ máy thì phải tinh giản nhân viên ngay cho phù hợp chứ không chờ đợi gì” - ông Dũng khẳng định.
Cùng với việc cắt giảm nhân sự, theo ông Dũng, lãnh đạo của những đơn vị nào có mức hoàn thành kế hoạch thấp đều bị cắt giảm thu nhập, mức cắt giảm tối đa là 30%.
“Đến năm 2014, Eximbank sẽ thực hiện việc khoán quỹ lương cho mỗi đơn vị. Nếu bộ máy tinh gọn thì thu nhập của nhân viên tăng lên và ngược lại. Căn cứ vào yêu cầu kinh doanh của từng đơn vị, hiệu quả của từng nhân viên mà lãnh đạo các đơn vị sẽ quyết định nhân sự của mình cho phù hợp” - ông Dũng cho biết.
Sinh con cũng phải đăng ký trước
Chị T.T. - nhân viên NH cổ phần lớn chi nhánh tại Khu công nghiệp Sóng Thần - cho biết tháng 8-2013, NH đã thông báo cắt giảm 20% lương trên toàn hệ thống. Với nhân viên chính thức, lương chỉ còn 8 triệu đồng/tháng, giảm 2 triệu đồng/tháng.
Nhân viên thử việc còn khổ hơn vì NH quy định năm đầu tiên chỉ được nhận 50% lương nhưng nay cũng bị giảm tiếp 20%, còn nhận 4 triệu đồng/tháng.
Không chỉ lương mà thưởng cũng bị cắt giảm, trước kia ngày lễ, tết nhân viên được thưởng một tháng lương thì nay bị cắt còn nửa tháng hoặc 1/3 tháng lương. NH cũng siết cả chuyện nghỉ sinh, mỗi phòng đều có chỉ tiêu và nhân viên nữ nào muốn sinh con phải đăng ký từ đầu năm, phân chia từng người để tránh trùng vào một thời điểm. Ai không đăng ký mà “vỡ kế hoạch” thì sẽ bị ảnh hưởng thi đua, thậm chí mất việc.
.Theo ÁNH HỒNG - HẢI ĐĂNG (TTO)
măm măm bấy nhiêu năm đủ rồi. Bây giờ nghỉ thì cũng là chuyện nhỏ, kêu làm chi. Nghề "cho vay lại hợp pháp " này nó là con dao 2 lưỡi, thấy các ông trùm ngân hàng đang chờ lên đoạn đầu đài nên khiếp là phải