Mạnh tay xử lý, ngăn chặn nạn buôn lậu, hàng giả
Tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây. Nhiều vụ việc vi phạm đã được cơ quan chức năng phát hiện, triệt phá.
Triệt phá nhiều vụ vi phạm
Theo Phòng Cảnh sát kinh tế (PC 03 - CA tỉnh), tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng tập trung nhiều vào nhóm hàng thuốc lá điếu nhập ngoại, ô tô, quần áo, rượu, bột ngọt, đường cát trắng, phân bón, lâm sản.
Gần nhất, vào ngày 9.10, trinh sát Phòng PC 03 phối hợp với Cục Quản lý thị trường và CA phường Lê Lợi (TP Quy Nhơn) kiểm tra nhà số 32 Phan Bội Châu (TP Quy Nhơn) và phát hiện bên trong có 3 công nhân đang chiết đường cát tinh luyện không rõ nguồn gốc. Kết quả kiểm đếm cho thấy, có 16 thùng đường cát trắng tinh luyện thành phẩm (mỗi thùng 60 bao) đã chiết thành “que” (bì đường nhỏ thường dùng tại các quán giải khát), đóng gói hoàn chỉnh chuẩn bị xuất ra thị trường. 11 bao đường cát tinh luyện khác (mỗi bao 50 kg) đang tập kết trong khu vực sản xuất, chuẩn bị sang chiết. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện 58 bao đường cát tinh luyện (50 kg/bao) có nhãn bằng tiếng nước ngoài, song không có hóa đơn chứng từ hợp pháp.
Cảnh sát kinh tế và lực lượng quản lý thị trường triệt phá cơ sở chiết đường cát tinh luyện không rõ nguồn gốc tại nhà số 32 Phan Bội Châu (TP Quy Nhơn).
Thiếu tá Nguyễn Thanh Quang - Phó Đội trưởng phụ trách Đội đấu tranh án buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Phòng PC 03 - cho biết: “Ngoài vụ việc này, đầu năm 2019 đến nay, các lực lượng chức năng trong tỉnh, gồm PC 03, Cục Quản lý thị trường, Kiểm lâm, Thanh tra Sở NN&PTNT, CA các huyện, thị xã, thành phố đã phát hiện, xử lý hơn 20 vụ việc vi phạm về vận chuyển hàng lậu, hàng cấm và sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phân bón, thực phẩm tiêu dùng khác nhưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ”.
Đáng chú ý, hầu hết các vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả như thuốc lá lậu, phân bón, đường cát trắng, bột ngọt… được phát giác đều do các đối tượng vận chuyển từ các tỉnh Tây Nguyên về Bình Định tiêu thụ. Riêng mặt hàng rượu, bia, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả chủ yếu vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc về địa bàn. Còn việc sản xuất hàng giả tại Bình Định chủ yếu là sản xuất thủ công, pha chế, đóng gói lại, thay đổi bao bì, nhãn mác để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Quyết liệt phòng ngừa, ngăn chặn
Thượng tá Phan Anh Dũng, Phó Trưởng Phòng PC 03, nhận định: Tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng vào những tháng cuối năm, đặc biệt dịp cận Tết sẽ tiếp tục diễn ra. Dự đoán các đối tượng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm sẽ chọn các tuyến QL 1, QL 1D, QL 19, cảng Quy Nhơn, ga Diêu Trì... làm điểm trung chuyển với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi hơn. Do đó, đơn vị đang triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh ngay từ cơ sở, không để tình hình diễn biến phức tạp, hình thành các “điểm nóng”. Ngoài ra, PC 03 phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng bám sát địa bàn, tiến hành kiểm tra đột xuất nhằm triệt phá các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng không rõ xuất xứ, chất lượng kém. Phòng PC 03 cũng chủ động phối hợp với cơ quan an ninh hàng không, trung tâm khai thác vận chuyển của bưu điện và các đơn vị làm dịch vụ chuyển phát nhanh để kiểm soát hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả.
Ngoài trách nhiệm của lực lượng chức năng có liên quan, các DN trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng cũng cần có những cải tiến về chất lượng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Về phía người tiêu dùng, cần tự nâng cao kiến thức tiêu dùng, chọn mua các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, tích cực tham gia tố giác các hoạt động sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu phạm pháp, góp phần ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng.
TRỌNG LỢI