“Ma cà rồng” và “ma cà bông”
Hẳn nhiều người cho rằng đây là hai loại ma và về từ nguyên, hai từ này đều có nguồn gốc phương Tây. Nhưng thật ra, trong chúng chỉ có một là ma và một là từ gốc phương Tây.
Ma cà bông chẳng phải là một loại ma nào cả. Đây là một từ gốc Pháp, bắt nguồn từ chữ “vagabond”, có nghĩa là “[kẻ] lang thang, lêu lổng, nay đây mai đó”. Vào tiếng Việt, nghĩa này được giữ nguyên. Từ điển tiếng Việt định nghĩa “ma cà bông” là “kẻ không nhà cửa, không nghề nghiệp, sống lang thang (hàm ý khinh)” (Hoàng Phê chủ biên, 1997, tr.582).
Còn ma cà rồng đích thị là một loại ma. Lâu nay, do ảnh hưởng của điện ảnh Mỹ, khi nhắc đến ma cà rồng, người ta thường nghĩ ngay đến nhân vật Dracula, một kẻ chuyên hút máu người trong các bộ phim của Hollywood. Thậm chí, nhiều người còn mặc định ma cà rồng là Dracula và nghiễm nhiên, ma cà rồng là một loại… ma phương Tây.
Tuy nhiên, đây lại là một loại ma… “gốc Việt”. Theo tác giả Trần Quang Đức, trước đây, trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, từng tồn tại loại ma này. Ngoài cái tên “Cà Rồng”, nó còn có nhiều tên gọi khác như “Cà Rằng”, “Càn Sùng”. Có nhiều thư tịch cổ ghi chép về loại ma này, như Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, Thoái thực ký văn của Trương Quốc Dụng, Hưng Hóa kỷ lược của Phạm Thận Duật… Theo đó, ma Cà Rồng được ghi nhận là loại ma xuất hiện ở vùng Hưng Hóa (các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Điện Biên ngày nay), chuyên hút máu người. Theo Lê Quý Đôn mô tả, ma Cà Rồng ban ngày cày cấy như người thường, ban đêm đút hai ngón chân vào lỗ mũi, bay đi tìm nhà đàn bà đẻ để hút máu.
Trong thời hiện đại, tín ngưỡng này vẫn còn tồn tại ở một số vùng. Từ điển tiếng Việt ghi nhận mục từ “ma cà rồng” và định nghĩa là “ma chuyên hút máu người, theo mê tín ở một số địa phương miền núi” (Sđd, tr.582).
Th.S PHẠM TUẤN VŨ