Nguyễn Ngọc Lê Trâm và YMAC 2019
Tại Hội nghị sinh viên ASEAN (Youth Model ASEAN Conference - YMAC 2019) diễn ra từ ngày 29.9 - 2.10 ở ÐH Bách khoa Singapore (Singapore Polytechnic), nữ sinh viên Nguyễn Ngọc Lê Trâm (sinh viên năm 3 Trường ÐH Duy Tân, Ðà Nẵng, quê ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) cùng các thành viên trong nhóm đã xuất sắc giành được giải nhì.
YMAC 2019 có chủ đề “Chung tay vì sự phát triển bền vững”. Đây là chủ đề đang được tranh luận tại nhiều diễn đàn lớn ở một số quốc gia, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đến với YMAC 2019 mỗi sinh viên phải trải qua vòng thi viết bài luận ngắn 500 từ với chủ đề “Về một vấn đề ở đất nước bạn mà bạn muốn cải thiện” để kiểm tra kiến thức và trình độ ngoại ngữ. Có tất cả 100 sinh viên vượt qua vòng thi này, họ đến từ các nước: Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Trung Quốc; riêng đoàn Việt Nam có 8 sinh viên thì cả 8 cùng vào vòng kế tiếp. Tại vòng thi này, họ cùng nhau thảo luận làm sáng tỏ những vấn đề nóng trong các lĩnh vực: văn hóa, xã hội, kinh tế, môi trường... Và 100 sinh viên vượt qua vòng đầu, được chia thành nhiều nhóm nhỏ (chia ngẫu nhiên, không phân biệt quốc gia) để tham gia vào cuộc tranh luận - phản biện về 4 trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030 dành cho các nước ASEAN, gồm: Giảm bất bình đẳng; Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm; Giáo dục và chất lượng; Khỏe mạnh và hạnh phúc.
Nguyễn Ngọc Lê Trâm (thứ hai từ phải sang) cùng các thành viên trong nhóm xuất sắc đạt giải á quân.
Ở phần tranh luận - phản biện, Lê Trâm được phân vào nhóm “Giáo dục chất lượng” với tổng cộng 25 thành viên, chia thành 5 nhóm nhỏ. Phân nhóm của Lê Trâm thực hiện đề tài “Các giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng và chất lượng giáo viên cho đất nước Campuchia”. Họ có 2 tháng thảo luận trực tuyến trước đó và vỏn vẹn có 5 ngày làm việc trực tiếp với nhau.
Sau khi tìm hiểu về tình hình giáo dục ở Campuchia, nhận thấy yêu cầu cấp bách trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở Campuchia nói chung và Siem Riep nói riêng, nhóm buộc phải tìm đến một số nhà tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, các DN ở các nước: Singapore, Malaysia, Indonesia; các học giả, nhà giáo nghỉ hưu, các tình nguyện viên trong khối ASEAN để nhờ hỗ trợ chi phí, kinh nghiệm, tham vấn, đồng thời đi thực tế ở Campuchia. Nhờ đó, không chỉ được hỗ trợ về chi phí, nhóm còn được các chuyên gia, giáo viên hỗ trợ thiết kế nội dung bài giảng trực tuyến cho dự án.
Là người thuyết trình kiêm luôn vai trò phản biện cho cả nhóm, Lê Trâm chia sẻ: Chúng tôi thống nhất quan điểm cải thiện chất lượng giảng dạy là điều hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là việc nên làm trước tiên khi muốn thúc đẩy một quốc gia phát triển; điều này đúng không chỉ với Campuchia mà còn ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Có lẽ nó chỉ khác nhau ở cách thức triển khai mà thôi. Đây là một dự án lớn với các mối liên hệ rộng từ chính quyền đến tất cả các ngành; đòi hỏi sự năng động, nhạy bén và khả năng giao tiếp tốt để có thể kêu gọi sự hỗ trợ. Trong khi đó tôi nghe tiếng Anh của người Singapore (thường được gọi tắt là “Singlish”) chưa thạo nên cũng khá lo lắng. Tuy nhiên, khi cả nhóm nắm chặt tay nhau, cùng quyết tâm và vì các bạn trong nhóm cũng đặt kỳ vọng ở tôi nhiều nên tôi tự tin hẳn.
Chia sẻ về cách học tiếng Anh, Trâm cho biết: Từ lớp 6 tôi đã thích học tiếng Anh. Khi học ở Trường THPT Nguyễn Diêu, tôi được thầy cô quan tâm định hướng rèn luyện thêm kỹ năng nghe nói. Đồng thời, tôi tự thấy mình rất may mắn khi chủ động tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa để nâng cao trình độ tiếng Anh và có thêm nhiều kỹ năng. Hơn nữa, phân nhóm của tôi gồm 5 thành viên, đến từ 3 quốc gia: Singapore, Philippines và Việt Nam, đây là một cơ hội rất thuận lợi để tôi trau dồi thêm vốn tiếng Anh của mình. Cũng xin nói thêm một chút, các bạn sinh viên ở các nước Đông Nam Á mà tôi có dịp thảo luận, làm quen đều làm việc rất nghiêm túc, họ có thói quen xây dựng - tinh chỉnh kế hoạch rất bài bản từ khi còn học phổ thông, vì thế ở đại học, họ rất chủ động, nhạy bén, khả năng nắm bắt vấn đề, phân tích và định hướng của các bạn ấy cũng vượt trội. Giải nhì mà nhóm chúng tôi giành được là một thành tích ngoạn mục với sự góp sức nhiệt tình của cả nhóm.
Không chỉ vui với thành tích giành được tại Hội nghị sinh viên ASEAN, điều lớn hơn mà Lê Trâm thu hoạch được theo cô là phong cách làm việc, cách thức tiếp cận và xử lý vấn đề, định hướng bản thân để có thể hội nhập với giới trẻ trong thời đại toàn cầu.
Năng nổ và có vốn tiếng Anh khá tốt nên ngoài YMAC 2019, trước đây, Lê Trâm còn góp mặt tại một số chương trình quốc tế khác như: Thành viên của chương trình Learning Express (LeX) mùa thứ 7 giữa Việt Nam và Singapore, tình nguyện viên tại hội nghị Nanomaterials for Healthcare (Hội nghị ứng dụng vật liệu Nano vào chăm sóc sức khỏe) và hội nghị Worldwide meeting of young academies (Mít tinh các viện hàn lâm trẻ toàn cầu) được tổ chức tại TP Đà Nẵng với sự có mặt của các giáo sư, tiến sĩ... đến từ 14 quốc gia khác nhau.
THẢO KHUY