Nghệ sĩ Ưu tú Ðào Duy Kiền: Một đời cống hiến cho tuồng
Năm nay, Nghệ sĩ Ưu tú Ðào Duy Kiền bước sang tuổi 80, so với một vài năm trước, sức khỏe của ông có phần giảm sút. Nhưng có một thứ vẫn vẹn nguyên, ấy là niềm đam mê, nhiệt huyết với nghệ thuật tuồng nói chung và âm nhạc tuồng nói riêng.
NSƯT Đào Duy Kiền
Khi còn tại chức, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Đào Duy Kiền từng đảm trách nhiều nhiệm vụ khác nhau và ở cương vị nào ông cũng tận tụy, trách nhiệm, hết mình vì công việc. Chính ông nhiều lần tâm sự, nghiên cứu không phải là chuyên môn chính của ông, ông cũng chưa được đào tạo bài bản ở trường lớp về lĩnh vực này. Nhưng với suy nghĩ, công tác tổng kết, đúc kết kinh nghiệm nghề nghiệp, tạo nền tảng, định hướng để phát triển nghề rất cần lý luận học thuật, ông bèn để tâm đến vấn đề này. Bằng con đường tự học, tự đào tạo, một cách chuyên cần, NSƯT Đào Duy Kiền đã thực hiện được một số công trình (đã xuất bản), như: Âm nhạc dân gian trong âm nhạc tuồng, Nhạc Tuồng, Các làn điệu hát tuồng… Ngay cả khi bước vào tuổi “xưa nay hiếm” ông cũng không ngừng gom góp, chỉnh lý tư liệu, để viết về một số vấn đề như: Trống - kèn - nhị trong tâm thức người Việt, Kỹ thuật hát tuồng, Bất biến và khả biến - hai yếu tố chính yếu để gìn giữ đặc trưng và phát triển nghệ thuật tuồng….
Vở tuồng Trời Nam - một vở diễn có phần âm nhạc do NSƯT Đào Duy Kiền sáng tác.
Năm 1970, sau khi học lớp bồi dưỡng sáng tác nhạc, Đào Duy Kiền sáng tác nhạc cho vở tuồng Mũi tên nhung của Đoàn tuồng Liên khu V. Đó là lần đầu tiên và đều đặn từ bấy đến nay - tính cả riêng và chung - ông đã sáng tác cho 50 vở tuồng, trong đó, nhiều vở đã đoạt HCV, bằng khen đặc biệt tại các kỳ liên hoan, hội diễn, điển hình như: Quang Trung đại phá quân Thanh (1980), Sao Khuê trời Việt (1985), Mặt trời đêm thế kỷ (1986), Sáng mãi niềm tin (1990), Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc (1995), Trời Nam (1999).
Chính ông nhiều lần tâm sự, nghiên cứu không phải là chuyên môn chính của ông, ông cũng chưa được đào tạo bài bản ở trường lớp về lĩnh vực này. Nhưng với suy nghĩ, công tác tổng kết, đúc kết kinh nghiệm nghề nghiệp, tạo nền tảng, định hướng để phát triển nghề rất cần lý luận học thuật, ông bèn để tâm đến vấn đề này.
NSƯT Đào Duy Kiền cũng rất “mát tay” ở mảng ca khúc. Đến nay, ông đã sáng tác hơn 100 ca khúc cho nhiều vở tuồng, trong đó có ca khúc vượt ra ngoài vở, được trình diễn độc lập, trường ca khúc Hội mừng chiến thắng là một điển hình. Nghệ sĩ nhân dân Hòa Bình chia sẻ: NSƯT Đào Duy Kiền là một trong số ít nhạc sĩ có công đặt viên gạch đầu tiên trong sáng tác ca khúc cho nghệ thuật tuồng khi Đoàn tuồng Liên khu V tập kết ra Bắc. Ông được đào tạo bài bản, kỹ lưỡng, được tiếp xúc với một thế hệ thầy giỏi nghề cộng với tinh thần chịu khó nghiên cứu, học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp và trải nghiệm thực tế của bản thân qua nhiều năm làm nghề; thêm vào đó, là sự đam mê và năng khiếu âm nhạc đã tạo nên một nhạc sĩ thành công cả về sáng tác giai điệu và lời hát.
Thật vậy, cách đây ít lâu, cùng với nhạc sĩ - NSƯT Đinh Văn Nhân, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã mời Đào Duy Kiền viết nhạc cho vở Chàng Lía. Sự phối hợp tài tình của hai nghệ sĩ gạo cội khiến vở diễn có thêm nền tảng để thăng hoa, cuốn hút công chúng, làm nên thành công cho vở diễn.
Cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật tuồng, những cống hiến của nghệ sĩ Đào Duy Kiền được Nhà nước ghi nhận xứng đáng, nhưng với tính khiêm nhường, NSƯT Đào Duy Kiền đề nghị không nêu lên những chi tiết ấy, ngược lại ông tâm sự, nếu còn có thể làm gì thêm để nghệ thuật tuồng tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, tôi xin nói lên hai tiếng “sẵn sàng”.
THÚY HƯỜNG