Mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp: Liên kết nông dân phát triển kinh tế
Thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã thành lập và nhân rộng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp nhằm tạo mối liên kết nông dân giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy mạnh phong trào nông dân, phát triển KT-XH ở địa phương.
Qua 3 năm (2016 - 2019) thực hiện Đề án 24 của Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã thành lập 78 tổ hội và 35 chi hội nghề nghiệp với hơn 2.500 hội viên tham gia sinh hoạt, hỗ trợ nhau sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp. Các cấp hội nông dân đã phối hợp tổ chức 297 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, 75 lớp dạy nghề phòng trừ dịch bệnh, chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho hơn 250 nghìn lượt hội viên, nông dân tham gia, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, các cấp hội nông dân còn tạo điều kiện để các chi, tổ hội nghề nghiệp vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho hội viên, nông dân.
Ngư dân nuôi tôm hùm thương phẩm ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn cùng thu hoạch tôm, liên hệ thương lái đến địa phương để mua gom sản phẩm.
Ông Nguyễn Hào, Chi hội trưởng Chi hội trồng tiêu xã Hoài Thanh, cho biết: “Chi hội thành lập năm 2005 với 32 hội viên cùng nghề trồng tiêu, tổng diện tích 27 ha. Tham gia vào chi hội, các hội viên cùng chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, ứng dụng KHKT trong sản xuất, phòng trừ dịch bệnh cho cây tiêu, giúp tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho hội viên”.
Xã Tam Quan Bắc có thế mạnh nghề đánh bắt xa bờ với 995/1.095 tàu cá đánh bắt xa bờ. Xã đã thành lập 282 tổ đoàn kết khai thác thủy sản trên biển để ngư dân hỗ trợ nhau trong công việc. Ngư dân Lê Văn Bình, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 98077 TS, chia sẻ: “Khi ra khơi, mỗi tổ sẽ đi từ 4 - 5 tàu để vừa đánh bắt, vừa hỗ trợ nhau khi có thiên tai, rủi ro xảy ra trên biển. Đồng thời trao đổi thông tin thị trường, ngư trường, kinh nghiệm đánh bắt, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, giúp tăng hiệu quả kinh tế, ngư dân vững tin bám biển bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc”.
Nhơn Hải là địa phương phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản bằng lồng bè trên biển. Từ chỗ nuôi theo kiểu tự phát, năm 2007, Hội Nông dân xã thành lập chi hội nuôi trồng thủy sản để giúp hội viên, ngư dân gắn kết cùng nhau làm nghề. Ông Nguyễn Xuân Bá, Chi hội trưởng Chi hội nuôi trồng thủy sản xã Nhơn Hải, cho hay: “Khi mới thành lập chi hội có 57 hội viên thì nay tăng lên 170 hội viên làm nghề nuôi tôm hùm giống, tôm hùm thương phẩm, cá bớp, ghẹ, mực. Hội viên tham gia chi hội trên nguyên tắc tự nguyện, cùng ngành nghề sản xuất, có sự chia sẻ trách nhiệm để cùng hưởng lợi. Bình quân mỗi hộ hội viên nuôi tôm hùm giống có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm, nuôi tôm hùm thương phẩm từ 700 - 1 tỷ đồng/năm; các hộ nuôi cá, mực, ghẹ thu nhập bình quân từ 70 - 100 triệu đồng/năm”.
Có thể nói, thông qua mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, nông dân có thêm điều kiện nắm bắt các chủ trương, chính sách, pháp luật, thực hiện tốt phong trào hội nông dân, liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả thiết thực.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quách Hồng Dục cho biết: Thời gian tới, các cấp hội nông dân trong tỉnh tăng cường hướng dẫn các chi, tổ hội nghề nghiệp đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động để phát huy vai trò là cầu nối giữa hội viên, nông dân với tổ chức hội, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở hội vững mạnh gắn với yêu cầu phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới ở địa phương, tạo tiền đề phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Phấn đấu đến năm 2023, thành lập được 50% các tổ hợp tác, HTX từ các chi, tổ hội nghề nghiệp.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN