Vườn trái ngọt trên đất trung du
Thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2016 - 2020, trong đó chú trọng phát triển nhiều loại cây trồng thế mạnh, Hoài Ân đang dần hình thành nên vùng cây ăn trái, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Cán bộ khuyến nông phổ biến kỹ thuật canh tác bưởi da xanh theo phương thức VietGAP cho gia đình chị Hường.
Huyện Hoài Ân lựa chọn phát triển cây trồng thế mạnh phù hợp với đất đồi, trong đó nhóm cây ăn trái có múi bước đầu giúp huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng thuận lợi. Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, làm một tổng kết nhanh: Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2016 - 2020, đến nay, địa phương đã phát triển được nhiều mô hình cây trồng thế mạnh như bưởi da xanh, bơ sáp, chè, với tổng diện tích trên 52,6 ha/60 hộ tham gia, trong đó gần 30 ha bưởi da xanh, còn lại là bơ sáp, chè. Hiện, bưởi da xanh Hoài Ân đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Bưởi Hoài Ân” với những quả bưởi được gắn logo, tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP.
Bên cạnh cây trồng có thế mạnh theo quy hoạch, nhiều hộ chịu khó cải tiến kỹ thuật, tìm tòi thêm những cây trồng phù hợp để phát triển mô hình nhiều loại cây ăn trái như mãng cầu Thái, thanh long, sầu riêng, chôm chôm…
Về Hoài Ân, tôi theo chân cán bộ khuyến nông huyện đi thực tế phổ biến kỹ thuật canh tác an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho các chủ vườn, tận mắt chứng kiến những vườn cây ăn trái bén rễ, lên xanh trên vùng đất khó năm nào.
Vườn ươm của hộ ông Nguyễn Văn Tiến (xã Ân Nghĩa) cung cấp nhiều giống cây ăn trái cho người dân trong huyện.
“Một múi bưởi da xanh nếu nhìn qua thấy chín, nếm thử có vị ngọt, mọi người nghĩ rằng trái bưởi chín bình thường. Thế nhưng, khi tách phần vỏ còn dính, tép bị khô, ở giữa lại không mọng nước- đó là dấu hiệu của bưởi thiếu kali và chưa đủ độ chín”, vừa tách múi bưởi, anh Thái Thành Việt - cán bộ khuyến nông huyện Hoài Ân - vừa phân tích độ chín và dinh dưỡng cần thiết đối với bưởi da xanh cho chị Trần Thị Thanh Hường (thôn Lại Định, xã Ân Mỹ).
Cách trao đổi thực tế như anh Việt giúp chị Hường hiểu hơn về kỹ thuật canh tác an toàn trong nông nghiệp. Chị Hường khoe khu vườn đang có 100 gốc bưởi và 80 gốc quýt đường gần 4 năm tuổi đã cho thu hoạch, bình quân 1 gốc bưởi cho doanh thu 4 triệu đồng, trừ chi phí, công chăm sóc, người làm vườn thu lợi cao hơn nhiều loại cây trồng khác. “Hồi đầu, thấy mọi người trồng, tôi bắt chước trồng theo, tuy cây bưởi và quýt đường phát triển khá tốt nhưng cứ bị sâu bệnh, chất lượng quả không đều. Tôi tìm đến cán bộ kỹ thuật của huyện để được hướng dẫn trồng theo quy trình VietGAP. Nhờ vậy mới có được vườn cây ăn trái mướt mát như bây giờ”, chị Hường cười nói.
Nhờ sự tận tình của đội ngũ cán bộ khuyến nông, đến nay người dân ở Hoài Ân tiếp cận và chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang phương thức VietGAP thuận lợi hơn. Anh Nguyễn Tấn Trung (xã Ân Tường Tây) cho hay, với việc được hướng dẫn về kỹ thuật canh tác VietGAP, người làm vườn tích lũy nhiều kinh nghiệm quý. Khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, anh hiểu ngay được, để giữ mùi vị của những trái chín, bên cạnh đất, nước, giống, kỹ thuật thì việc chọn xen canh trong khu vườn phải được lưu ý. Để tránh thụ phấn chéo giữa các cây trồng, anh “quy hoạch” khu vườn của mình theo từng nhóm cây như bưởi, quýt đường, cam sành. Nhờ đó, đảm bảo được chất lượng từng loại trái cây.
THU DỊU