Ðiều khiển trạm bơm từ xa
Công ty CP Cấp thoát nước Bình Ðịnh quản lý bãi giếng Tân An với 9 trạm bơm đặt tại phường Bình Ðịnh (TX An Nhơn). Ðể giảm thiểu chi phí sản xuất tại bãi giếng lớn nhất của công ty, kỹ sư Trần Văn Ðại - Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật điện và cộng sự, đã nghiên cứu hệ thống điều khiển và giám sát trạm bơm từ xa.
Kỹ sư Trần Văn Đại bên tủ điện điều khiển máy bơm tại bãi giếng Tân An.
Cụ thể, mỗi trạm bơm giếng được lắp một thiết bị giám sát, điều khiển gắn sim điện thoại 2G kích hoạt sẵn. Công nhân trực vận hành gọi điện hoặc nhắn tin theo số điện thoại đã mặc định cho từng giếng để tự động kích hoạt máy bơm chỉ sau vài giây. Thao tác tương tự vậy khi công nhân muốn tắt máy bơm.
Ngoài ra, tại mỗi trạm bơm còn lắp đặt 3 camera hồng ngoại để quan sát hoạt động của máy bơm và phục vụ công tác an ninh; tại nhà điều hành chung cũng được lắp đặt 1 camera an ninh.
Đúng 6 giờ sáng 15.10, tại bãi giếng Tân An, hai công nhân Huỳnh Hữu Tài và Đinh Thành Trung vào ca trực. Chỉ vào màn hình đặt trên bàn đang hiển thị các hình ảnh tại bãi giếng do camera ghi lại, anh Trung cho biết, những ngày qua trời mưa nên theo lịch vận hành sáng hôm ấy chỉ cần bơm 7 giếng. Anh lấy điện thoại lần lượt bấm gọi từng số trong danh bạ để kích hoạt từng máy bơm. Nhìn qua màn hình camera, sau hồi chuông reo, các giếng bơm tuần tự hoạt động.
Kết thúc 7 cuộc gọi, anh Trung vui vẻ trò chuyện với chúng tôi. Anh kể, vì các giếng cách nhau khá xa (từ 300 - 500 m), trước đây công ty phải bố trí tại mỗi trạm giếng 1 người trực vận hành máy bơm và bảo vệ an ninh nguồn nước. 9 trạm giếng cần tới 9 người trực 3 ca/ngày, tổng cộng cần 27 công trực/ngày. Phải bật, đóng máy bơm bằng thủ công, nên công nhân buộc phải ăn, nghỉ, sinh hoạt tại chỗ. “Hơn một năm nay, lắp thiết bị bơm tự động và camera theo sáng kiến của anh Đại (kỹ sư Trần Văn Đại - PV), mỗi ca trực chỉ cần 2 người, gồm 1 người trực điều khiển, giám sát máy bơm qua màn hình camera như tôi đang làm, người còn lại đi tuần tra, xem xét ngoài thực tế. Như vậy là mỗi ngày chỉ cần 6 công trực”, anh Trung chia sẻ.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định cho biết, sáng kiến của kỹ sư Trần Văn Đại mang lại nhiều hiệu quả cho công ty. Về kỹ thuật, áp dụng sáng kiến đảm bảo các thông số kỹ thuật máy bơm theo yêu cầu đặt ra và giảm lượng điện năng tiêu thụ phục vụ tại mỗi trạm giếng, tiền điện thoại cho mỗi công nhân, chi phí nhân công vận hành giếng bơm. Hiện, công ty đang quản lý cấp nước cho toàn địa bàn Quy Nhơn; phường Bình Định, Đập Đá, Nhơn Thành (An Nhơn); thị trấn Tuy Phước (Tuy Phước); thị trấn Bình Dương (Phù Mỹ); thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân), thị trấn Bồng Sơn, Tam Quan (Hoài Nhơn) với 15 trạm bơm tăng áp và 31 giếng bơm. “Từ những hiệu quả hết sức đáng phấn khởi, chúng tôi đang tính toán mở rộng ứng dụng hệ thống giám sát và điều khiển từ xa bãi giếng Tân An ra các trạm bơm khác”, ông Châu cho hay.
Không chỉ ứng dụng hiệu quả tại Công ty Cấp thoát nước Bình Định, theo kỹ sư Trần Văn Đại, hệ thống điều khiển và giám sát từ xa có thể ứng dụng dễ dàng trong các lĩnh vực liên quan đến bơm tưới nước, chỉ cần khu vực đó có sóng 2G.
Sáng tạo “Hệ thống điều khiển từ xa và giám sát 9 trạm bơm giếng Tân An - bãi giếng Tân An” của kỹ sư Trần Văn Ðại và cộng sự (Công ty CP Cấp thoát nước Bình Ðịnh) là 1 trong 6 giải pháp đạt giải nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XI (2018 - 2019).
Th.S Vũ Huy Mai, Phó Hiệu trưởng Trường CÐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, thành viên Ban Giám khảo Hội thi, cho hay rất ấn tượng trước sự sáng tạo và hiệu quả thực tế mà giải pháp này mang lại cho Công ty CP Cấp thoát nước Bình Ðịnh, cũng như có thể phát huy hiệu quả thực tế ứng dụng ở những đơn vị khác. Chẳng hạn, ở những DN có nhiều nhà xưởng đặt trong khuôn viên rộng, hoặc nhiều xưởng ở nhiều địa điểm khác nhau, có thể sử dụng hệ thống giám sát đặt tại nhà vận hành trung tâm để giám sát mọi hoạt động. Với điều khiển tự động từ xa, không chỉ ứng dụng trong vận hành hệ thống bơm nước mà còn có thể áp dụng để khởi động hoặc tắt mô tơ, máy móc, thiết bị.
NGỌC TÚ