Ân Nghĩa: Ðiểm sáng xuất khẩu lao động
Với đặc thù là xã đặc biệt khó khăn, xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân) đã tập trung triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao đời sống thu nhập cho nhân dân. Trong đó, công tác xuất khẩu lao động đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Ông Nguyễn Quang Khanh bên ngôi nhà khang trang xây dựng từ nguồn tiền gửi về từ xuất khẩu lao động của hai con.
Từ khi hai con gái Nguyễn Thị Lệ My (SN 1997) và Nguyễn Thị Lệ Miên (SN 1998) đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Nhật Bản, kinh tế gia đình ông Nguyễn Quang Khanh (ở thôn Kim Sơn) dần khá hơn trước. “Tiền của các con gửi về đã tạo điều kiện cho gia đình đầu tư phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, xây lại ngôi nhà vững chãi để an cư lạc nghiệp. Sắp tới Miên hết hạn theo hợp đồng nhưng đã có kế hoạch gia hạn thêm 2 năm nữa nhằm tích lũy thêm vốn về quê làm ăn, sinh sống”, ông Khanh chia sẻ.
“Chỉ tiêu xuất khẩu lao động trong năm 2019 của tỉnh giao cho huyện Hoài Ân là 130, nhưng đến nay, huyện đã có 147 lao động xuất cảnh. Trong đó, xã Ân Nghĩa có 40 lao động đã và sẽ đi trong năm nay, nhiều nhất huyện. Sau xã Ân Tường Tây, vài năm gần đây nổi lên có Ân Nghĩa là địa phương thực hiện rất tốt công tác XKLÐ, được UBND tỉnh tặng Bằng khen năm 2018”.
Trưởng phòng LÐ-TB&XH huyện Hoài Ân TẠ NGỌC ÐỊNH
Học xong THPT, nhận thấy sức học không tốt để thi đại học, trong khi có anh trai Võ Đình Nhu đang làm việc bên Nhật, anh Võ Chí Điều (23 tuổi, ở thôn Nghĩa Nhơn) quyết định nhờ anh hỗ trợ chi phí để học tiếng Nhật, làm các thủ tục để qua Nhật lao động. Sau 3 năm làm việc, anh Điều tích lũy hơn 500 triệu đồng. Về nước, anh Điều dùng số vốn này để mở tiệm cơ khí tại địa phương, nghề mà anh có kinh nghiệm làm bên Nhật, ổn định cuộc sống.
Anh Điều cho biết: “So với Việt Nam thì điều kiện làm việc ở Nhật tốt hơn nhiều, nhưng để tích lũy được vốn, có điều kiện làm ăn sau này thì cần phải chịu khó, tiết kiệm. Nếu đi XKLĐ thì tốt nhất là ở tuổi trước 27 - 28, qua đó “cày” 3 - 5 năm về chắc chắn sẽ có được số vốn để làm ăn, tạo tiền đề để phát triển kinh tế, phụ giúp cha mẹ cũng như lo cho vợ con đầy đủ hơn”.
Cách nhà anh Võ Chí Điều chừng 300 m, gia đình ông Trần Văn Hùng và bà Đặng Thị Phương cũng cho con đi XKLĐ. Nhà có đến 5 chị em, thấy ba mẹ khổ quá, chị cả Trần Thị Diễm xin đi XKLĐ để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, lo cho mấy em đi học. Nhờ đó, em của Diễm đã có 1 đứa học đại học, 3 đứa còn lại học phổ thông đầy đủ hơn. Bà Phương cho biết, từ tiền con gái gửi về và nguồn cho vay hỗ trợ sản xuất của Ngân hàng CSXH của huyện, năm 2018, gia đình bà thoát nghèo.
Theo ông Nguyễn Minh Chánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa, trên địa bàn xã hiện có trên 100 lao động đang làm việc có thời hạn tại nước ngoài, chủ yếu là Nhật Bản. Hằng năm, nguồn lao động này gửi về một lượng tiền rất lớn, góp phần ổn định, phát triển kinh tế hộ gia đình và làm cho diện mạo nông thôn Ân Nghĩa ngày càng thay đổi.
“Để có được kết quả đó, hằng năm, trên cơ sở chỉ tiêu về XKLĐ của huyện giao, địa phương tiến hành rà soát thanh niên trong độ tuổi lao động, xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, giới thiệu việc làm. Đồng thời, xã cũng tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan cho người dân đi XKLĐ”, ông Chánh cho biết.
Còn theo ông Tạ Ngọc Định, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân, nhiều năm trở lại đây, Hoài Ân luôn dẫn đầu về công tác XKLĐ của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 147 lao động xuất cảnh đi các nước, nhiều nhất là người xã Ân Nghĩa. Ông Định cho rằng, các chính sách ưu đãi của Nhà nước và hiệu quả kinh tế mà những người đi XKLĐ trở về cho thấy đã kích thích cho nhiều hộ gia đình, nhiều thanh niên tham gia. Song song đó, Ân Nghĩa cũng là địa phương rất “chịu khó” trong công tác tuyên truyền, vận động với việc nắm vững những chính sách ưu đãi, giải thích cặn kẽ từng vấn đề mà người dân quan tâm, qua đó góp phần hỗ trợ người dân mạnh dạn lựa chọn con đường thoát nghèo, phát triển kinh tế hiệu quả bằng cách đi XKLĐ.
SAO LY