Trồng khảo nghiệm thành công một số loại nấm
Từ cuối năm 2018 đến nay, Trạm nghiên cứu thực nghiệm KH&CN (thuộc Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN, Sở KH&CN) đã đầu tư giống, thuần hóa, trồng đại trà và đưa ra bán một số loại nấm mới với thị trường Bình Định, như: Nấm chân dài, nấm hoàng đế, nấm trà tân, nấm ngọc châm…
Thu hoạch nấm hoàng đế tại Trạm nghiên cứu thực nghiệm KH&CN.
Chiều 14.10, tại Trạm nghiên cứu thực nghiệm KH&CN (ở xã Phước An, Tuy Phước), nhân viên của Trạm bắt tay thu hoạch nấm hoàng đế để kịp đem về Quy Nhơn tiêu thụ. Chỉ vào những hàng nấm trắng tinh mơn mởn, anh Cao Hoàng Trình, cán bộ phụ trách Bộ môn nấm ăn và nấm dược liệu của Trạm cho hay, lúc mới di thực giống, Trạm phải nuôi trong môi trường tương đương môi trường tự nhiên để thu được quả. Sau đó, lấy quả phân lập ra làm giống. Cứ vậy qua nhiều đời, cây nấm mới thuần dần với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng địa phương. Trạm cũng liên tục nghiên cứu tạo ra các thành phần dinh dưỡng mới để cung cấp cho cây, giúp cây có đủ sức thích nghi với môi trường.
Theo bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN, những năm qua, Trạm luôn nỗ lực đa dạng sản phẩm nấm trên thị trường trong tỉnh, đặc biệt tìm kiếm, nhân giống những loại nấm có hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Chẳng hạn, nấm hoàng đế giàu chất đạm, nhiều chất xơ, vitamin nhóm B và cacbohydrat, tốt cho trẻ em bị suy dinh dưỡng và còi xương. Nấm chân dài ngoài giá trị dinh dưỡng còn hỗ trợ trong điều trị các bệnh về thận, tiểu lắt nhắt, phù nề, huyết áp, tăng cường máu lên não. Hay nấm trà tân có dược tính cao, kháng được nhiều loại vi rút, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể…
“Các loại nấm này bước đầu đã được thị trường chấp nhận. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch trong năm tới sẽ làm việc với các huyện để chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho hộ gia đình”, bà Hoài cho hay.
KHÁNH HUÂN