Châu Phi và Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên dưới cương vị mới, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Nga và sau đó sang thẳng Tanzania trước khi thăm Nam Phi và tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tại Durban. Chuyến công du này sẽ kết thúc với điểm đến cuối cùng là CH Congo.
Việc ông Tập Cận Bình dành quá nhiều thời gian thăm châu Phi khi mới bắt đầu nhiệm kỳ mới cho thấy Bắc Kinh tiếp tục đường lối cũ trong chính sách đối ngoại của nước này.
Hiện hàng năm Trung Quốc hỗ trợ khoảng 5.000 học bổng toàn phần cho sinh viên châu Phi học tập tại Trung Quốc và hỗ trợ đào tạo kỹ thuật cho khoảng 30.000 người châu Phi khác. Kể từ năm 1963, hơn 18.000 nhân viên y tế Trung Quốc làm việc tại 46 quốc gia châu Phi. Cách đây vài năm, Trung Quốc bắt đầu đưa một số lượng nhỏ các tình nguyện viên đến châu Phi để tham gia vào một chương trình tương tự với chương trình thúc đẩy hòa bình của tổ chức U.S. Peace Corps. của Mỹ. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc có hơn 20 chi nhánh tại châu Phi và Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc cũng đang nhanh chóng tăng cường sự hiện diện tại châu Phi. Ngoài ra, Trung Quốc còn thành lập 29 Viện Khổng tử tại 22 quốc gia châu Phi để truyền bá văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc.
Trong hơn 20 năm qua, Trung Quốc tăng cường quan hệ với châu Phi và điều này sẽ tiếp diễn dưới thời ông Tập Cận Bình. Mặc dù Trung Quốc muốn bên ngoài xem mối quan hệ này là một phần của chiến lược “hai bên cùng có lợi” với mục đích giúp lục địa này phát triển, nhưng bức tranh thực tế lại phức tạp hơn nhiều. Cũng như các nước khác, Trung Quốc đang hành động vì lợi ích của riêng mình và nước này có ít nhất 4 mục tiêu tại châu Phi.
Thứ nhất, Trung Quốc cần tiếp cận với nguồn nguyên liệu ở châu Phi, nhất là khoáng sản và năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh. Thứ hai, Trung Quốc cần sự ủng hộ về mặt chính trị của các nước châu Phi trên các diễn đàn quốc tế như Liên hiệp quốc hay Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thứ ba, Bắc Kinh muốn thay thế Đài Bắc tại 4 quốc gia châu Phi hiện vẫn công nhận Đài Loan. Thứ tư, so với Mỹ, Trung Quốc nhận thức rõ hơn rằng, châu Phi là một thị trường xuất khẩu đầy hấp dẫn với hơn 1 tỉ dân.
Ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục theo đuổi các lợi ích này tại châu Phi và chắc chắn tăng cường những nỗ lực cải thiện quan hệ với từng quốc gia châu Phi và các tổ chức mang tầm khu vực ở châu Phi như Liên minh châu Phi, Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi, Cộng đồng Phát triển Nam Phi và Thị trường Chung Đông và Nam Phi. Năm 2000, Trung Quốc thành lập Diễn đàn Hợp tác Châu Phi-Trung Quốc. Diễn đàn này nhóm họp 3 năm 1 lần nhằm mở rộng hợp tác.
Mặt khác, Trung Quốc cũng đối mặt với những thách thức tại châu Phi và dưới thời ông Tập Cận Bình, nước này càng nhận ra rằng phải nhanh chóng giải quyết những vấn đề này. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trạch Tuyển gần đây ước tính có từ 1-2 triệu doanh nhân Trung Quốc đang sống tại châu Phi. Vì số lượng doanh nhân Trung Quốc tại đây gia tăng, nên họ càng phải đối mặt với sự chống đối từ các đồng nghiệp châu Phi, những người không thể cạnh tranh lại Trung Quốc. Một số chính phủ châu Phi bắt đầu lên tiếng công khai và có động thái hạn chế người Trung Quốc nhập cư vào châu Phi. Chẳng hạn như, năm 2009, Tanzania thông qua luật cấm người nước ngoài (chủ yếu nhắm vào người Trung Quốc) sở hữu các cửa hàng ở Dar es Salaam. Các thương nhân Trung Quốc và nhiều người buôn bán châu Phi thường bán các sản phẩm của Trung Quốc với giá thấp hơn các sản phẩm được sản xuất tại châu Phi và điều này cũng gây ra quan ngại cho các nhà sản xuất châu Phi.
Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi vượt 200 tỉ USD trong năm 2012 và đạt mức cân bằng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn những chênh lệch lớn trong quan hệ thương mại song phương. Khoảng 15 nước xuất khẩu khoáng sản và năng lượng ở châu Phi có thặng dư thương mại lớn với Trung Quốc, trong khi hơn 30 nước nghèo tài nguyên lại có tình trạng nhập siêu lớn với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
Chuyến thăm Tanzania, Nam Phi và CH Congo của ông Tập Cận Bình cũng có những điểm đáng lưu ý. Tanzania thường xuyên nhập siêu với Trung Quốc; ví dụ như năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc là 428 triệu USD nhưng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 1,8 tỉ USD. Trong khi đó, trước năm 2010, Nam Phi cũng là nước có nhập siêu lớn với Trung Quốc. Năm 2011, Nam Phi đã giảm nhập siêu với Trung Quốc. Còn CH Congo, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn sang Trung Quốc, lại có thặng dự thương mại lớn với Bắc Kinh trong 10 năm qua. Trong năm 2011, giá trị dầu mỏ và gỗ mà Congo xuất sang Trung Quốc đạt 4,2 tỉ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu của nước này từ Trung Quốc chỉ có 541 triệu USD.
Hôm 29.3, trong khuôn khổ chuyến thăm Congo, ông Tập Cận Bình đã ký 11 thỏa thuận trị giá vài tỉ USD với nước này trong các lĩnh vực như truyền thông, ngân hàng và cơ sở hạ tầng.
Những vấn đề khác ở châu Phi mà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải tự giải quyết là những mối lo về môi trường, trách nhiệm xã hội, an toàn của công nhân Trung Quốc và việc tuân thủ các quy định về lao động của nước sở tại. Ngay ở trong nước, Trung Quốc đã bộc lộ sự yếu kém trong những lĩnh vực này, thì không có gì ngạc nhiên nếu nước này không giải quyết được các vấn đề này ở châu Phi.
Tuy nhiên, dường như Trung Quốc cũng chuẩn bị cho những thách thức này. Trước chuyến thăm châu Phi của ông Tập Cận Bình, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Trạch Tuyển kêu gọi doanh nghiệp nước này tại châu Phi cạnh tranh với sự trung thực và chất lượng, tôn trọng luật pháp nước sở tại, thuê nhiều công nhân địa phương hơn và cải thiện việc bảo vệ môi trường. Đây là những lĩnh vực mà chính phủ Trung Quốc thường không kiểm soát đối với các công ty của nước này.
Sự tham gia và hiện diện nhiều hơn của Trung Quốc tại châu Phi cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà ông Tập Cận Bình cần phải đối đầu. Trong những năm gần đây, vài chục người Trung Quốc bị bắt cóc ở vùng châu thổ Niger của Nigeria, hàng chục công nhân xây dựng và nhân viên dầu mỏ bị bắt cóc và thậm chí bị giết hại tại Sudan. Năm 2011, Trung Quốc phải sơ tán 36.000 nhà thầu khỏi Libyia. Hiện Bắc Kinh đối mặt với những mối đe dọa an ninh tương tự mà phương Tây từng trải qua ở châu Phi. Chính sách của Trung Quốc là phụ thuộc vào chính phủ các nước châu Phi để bảo vệ công dân của mình, nhưng điều này không phải bao giờ cũng có hiệu quả và nước này sẽ nhận ra rằng cần phải tăng cường bảo vệ những lợi ích của mình.
Mặc dù chính sách đối với châu Phi của Trung Quốc dưới kỷ nguyên của ông Tập Cận Bình có nhiều nét tương đồng với thời của ông Hồ Cẩm Đào, nhưng những thách thức sẽ lớn hơn. Dưới thời ông Hồ Cẩm Đào, vấn đề châu Phi có thể được giải quyết một cách tương đối dễ dàng thì ngược lại, lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm phải năng động và làm việc nhiều hơn để có thể duy trì vị trí hiện tại của nước này.
Lê Quảng (theo Diplomat, AFP)