14 người chết và mất tích do lũ, hàng ngàn nhà dân bị ngập
Mưa to tối ngày 14 cho đến sáng ngày 15.11 cộng với nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã làm nhiều huyện trong tỉnh bị ngập lũ, thiệt hại lớn về người và tài sản. Hàng ngàn nhà dân bị ngập sâu trong nước, tài sản, hoa màu bị cuốn trôi, cầu cống, đường sá bị hư hại nặng.
Đến 15 giờ ngày 16.11, nước lũ tại Tuy Phước, An Nhơn đã bắt đầu rút. Các lực lượng và phương tiện cứu hộ đã tiếp cận được các vùng bị ngập nặng của hai địa phương trên. Gần 2 tấn mì tôm đã được chuyển đến người dân Tuy Phước bị thiệt hại nặng do lũ.
Lực lượng quân đội hỗ trợ người dân di dời tránh lũ ở An Nhơn. (ảnh: Văn Lưu)
Lực lượng Công an giúp người đi đường đưa phương tiện quan đoạn đường bị ngập lụt. (ảnh: VL)
Tại huyện Hoài Ân, mưa to từ đêm 14.11 đến sáng ngày 16.11 đã làm 1 người chết, hơn 4.000 ngôi nhà, 26 điểm trường học bị ngập, 1 xe tải bị nước cuốn trôi, 85ha hoa màu bị ngập nước. Mực nước tại 19/22 hồ chứa nước trên địa bàn huyện đã vượt tràn. Kênh cấp 1 hồ chứa nước Mỹ Đức tại thôn Mỹ Đức, xã Ân Mỹ bị sạt lở một đoạn dài 50m, rộng 30m. 16 hộ dân sống tại đây đã được di dời đến nơi an toàn.
Tại An Lão, mưa lũ làm tuyến đường từ An Quang đi An Toàn bị sạt lở một đoạn dài 20m, 295 nhà dân bị ngập nước. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện có mặt tại địa phương đã chỉ đạo huyện tập trung nhân lực, vật lực tại chỗ khắc phục hạ tầng giao thông, xử lý môi trường, chuẩn bị giống cho vụ sản xuất tới; các địa phương cảnh báo người dân ở các khu vực nước lũ chảy mạnh cần cẩn thận để tránh thiệt hại về người.
* 12 giờ ngày 16.11, chiếc xe chở hàng cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ tỉnh xuất phát, trực chỉ phường Bình Định, thị xã An Nhơn, nơi có “tín hiệu” kêu cứu khẩn cấp. Khi đến trung tâm phường Bình Định, dòng nước chảy xiết đã không dưới 3 lần làm chiếc xe phải quay đầu tìm hướng tiếp cận khác, bởi nhiều con đường dẫn tới Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bình Định vẫn đang ngập trong nước sâu.
Sau một hồi hỏi thăm lẫn thăm dò, đoàn cứu trợ quyết định băng qua đường Ngô Gia Tự, đến đường Thanh Niên. Tuy nhiên, khi đến giữa đường Thanh Niên thì gặp khu vực nước xoáy, sâu; xe không qua được. Trong lúc đoàn cứu trợ đang loay hoay thì gặp được đoàn các chiến sĩ Công an tỉnh đi giúp dân chống lũ. Các chiến sĩ nhanh nhẹn chuyển giúp 40 thùng mì tôm từ xe để đi tiếp. Khu vực cổng trường vẫn còn ngập đến cổ; dấu vết còn lại trên tường cho thấy, mực nước từng sâu quá đầu người. Từng thùng mì tôm được các chiến sĩ và tình nguyện viên Chữ thập đỏ chuyển đến tận khu ký túc xá. Có hơn 200 học sinh, học viên đã bị cô lập ở đây từ chiều 15.11. Số mì tôm này đã kịp thời giúp họ “chống đói” trong thời gian chờ nước rút dần. (NGUYỄN VĂN TRANG)
Chuẩn bị mì tôm đi cứu trợ. (ẢNH: NGUYỄN VĂN TRANG)
Xe chở hàng cứu trợ bị kẹt tại đường Thanh Niên, phường Bình Định. (ẢNH: NGUYỄN VĂN TRANG)
Các chiến sĩ Công an tỉnh chuyển giúp hàng cứu trợ. (ẢNH: NGUYỄN VĂN TRANG)
Trên đường đến Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bình Định. (ẢNH: NGUYỄN VĂN TRANG)
Chiều 16.11, nước lũ bắt đầu rút dần. Người dân ở thị xã An Nhơn bắt đầu dọn dẹp nhà cửa. Trong khi đó, giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A vẫn chưa thông suốt. Trưa 16.11, dòng xe kéo dài từ ngã 4 cầu Bà Di đến ngã 3 Diêu Trì, đến 15 giờ thì đã kéo dài đến ngã 3 Phú Tài. Hành khách dồn ứ, phải vạ vật ở các hàng quán ven đường.
Tại khu vực Tiên Hòa, phường Nhơn Hưng, 3 căn nhà đã bị nước lũ cuốn sập. Nhà của ông Võ Văn Trừ bị sụp nền lúc 2 giờ sáng 16.11. “Nước rất dữ, nhất là mỗi lúc có xe cộ qua lại, nước ập vào nhà từng đợt. Nền nhà bỗng sụp xuống, tôi bị trượt chân té theo, rất may con trai tôi bất chấp nguy hiểm lao theo kéo lại”, ông Trừ kể lại, giọng chưa hết bàng hoàng. 2 ngôi nhà gần đó của bà Võ Thị Hoa và Võ Thị Bé (là em của ông Trừ) cũng bị nước lũ cuốn sập.
Trong khi đó, ông Thân Huy Hướng, hàng xóm của ông Trừ lại lo sốt vó. Móng nhà của ông bị nước lũ “ngoạm” vào, mỗi lúc một nhiều hơn. Ông Hướng chia sẻ: “Đêm qua đã không ngủ, đêm nay chắc lại thức trắng, không biết nhà mình sập lúc nào”. (N.V.TRANG)
Chợ Bình Định còn rất lâu mới có thể hoạt động trở lại. ẢNH: NGUYỄN VĂN TRANG
Tính đến 11 giờ ngày 16.11, toàn tỉnh có 11 người chết do mưa lũ (Phù Cát 1 người, TP Quy Nhơn 1 người, Hoài Ân 1 người, Tây Sơn 3 người, Tuy Phước 2 người, thị xã An Nhơn 3 người) và 3 người mất tích (thị xã An Nhơn 2 người, Vân Canh 1 người). Mưa lũ còn làm ngập khoảng 95.000 nhà dân ở các địa phương trong tỉnh…
Sáng ngày 16.11, tại các khu vực đầu nguồn các dòng sông, nước lũ vẫn còn rất lớn, uy hiếp tính mạng người dân. Riêng tại huyện Vĩnh Thạnh, đến 11 giờ cùng ngày, xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn vẫn bị nước lũ cô lập. Đường tránh hồ Định Bình bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông ách tắc; cầu treo qua làng O2, xã Vĩnh Kim bị trôi; 5 ngôi nhà dân bị sập, 80 nhà ở địa phương bị ngập nước.
Còn tại Tây Sơn, nhiều khu dân cư ở các xã: Bình Nghi, Tây Giang, Tây Xuân, Tây Phú… vẫn còn ngập trong nước lũ mênh mông; có 3 người dân ở xã Bình Nghi, Bình Thuận, thị trấn Phú Phong bị chết do mưa lũ, trong đó có 1 người chưa tìm thấy xác. Trên địa bàn huyện còn có trên 10.000 ngôi nhà dân bị ngập, có nhà ngập tới nóc. Nước lũ cuốn trôi 1 nhịp cầu Tây Thuận, xã Tây Thuận; kênh suối Nước Đục, xã Bình Thuận, kênh Lộc Giang, xã Tây Xuân, bị sạt lở 350m; 100ha lúa vụ 3 bị ngập úng.
Tại thị xã An Nhơn mưa lũ gây nhiều thiệt hại. Trên địa bàn huyện có 2 chết (bà Nguyễn Thị Trúc, ở thôn Thái Thuận, xã Nhơn Phúc; bà Cao Thị Diền, ở phường Nhơn Hòa) và 2 người bị nước cuốn trôi chưa tìm thấy thi thể. Cầu Tân An (QL 1A) bị sập làm chia cắt giao thông qua lại. Quốc lộ 19 bị chia cắt tại tại Huỳnh Kim, Quý Sơn. Các xã, phường: Nhơn Hòa ngập 80%, Nhơn Thọ ngập 60%, Nhơn Lộc 80%, Nhơn Khánh 100%, Bình Định 80%, Nhơn Tân 40%, Nhơn Hưng 30%, Đập Đá 30%, Nhơn Hậu 50%, Nhơn Thành 40%, Nhơn Mỹ 50% với 35.000 ngôi nhà bị ngập; 3 nhà khác bị sập.
Tại huyện Tuy Phước, mưa lũ cũng đã làm 2 người chết (Nguyễn Văn Tá, ở thôn An Sơn 2 xã Phước An; Ngô Văn Bá, ở thôn Luật Bình, xã Phước Quang). Mưa lũ cũng đã làm ngập 80% số nhà dân trên toàn huyện với khoảng 36.000 ngôi nhà dân bị ngập.
Ở huyện Vân Canh, 1 người dân ở xã Canh Vinh bị nước cuốn trôi; nhiều thôn ở xã Canh Vinh, Canh Hiển bị lũ cô lập với 245 ngôi nhà dân bị ngập nước. Tỉnh lộ ĐT 638 vẫn còn bị lũ chia cắt tại xã Canh Vinh. Mưa lụt còn làm hư hỏng nhiều ha lúa, hoa màu; 534 con gia súc, gia cầm bị chết.
Tại TP Quy Nhơn, có 1 người dân bị nước cuốn mất tích (ông Trần Sỹ Nho, ở KV4, phường Nhơn Phú) bị nước cuốn trôi khi đi qua bờ tràn ở địa phương. Mưa lũ làm sập 1 nhà dân.
Các huyện ở phía Bắc tỉnh cũng bị thiệt hại nặng do mưa lũ. Trong đó, huyện Phù Mỹ 1.585 nhà bị ngập nước, di dời 38 hộ/152 người tại Mỹ Chánh, Mỹ Tài. Có 19/19 xã bị thiệt hại. Đê sông Cạn (Mỹ Chánh) vỡ đứt 2 đoạn 50m; đê sông Cạn, xã Mỹ Cát, đê Vạn Ninh 2, xã Mỹ Tài bị sạt lở trên 1.200m.
Tại huyện Phù Cát, mưa lũ đã gây ngập các xã Cát Tài, Cát Minh, Cát Khánh. Trên địa bàn huyện có 1 người chết do mưa lũ; 3 nhà bị sập, 2.061 nhà bị ngập nước. Huyện Hoài Nhơn có 1 người bị thương; 13 nhà ở Tam Quan Nam bị tốc mái; 156 ha lúa mới gieo sạ bị ngập, trôi giống; 15 ha nuôi tôm cá bị ngập nước; sập mố cầu Duyên xã Hoài Châu; sập cầu Bến Trâu xã Hoài Châu Bắc; bờ suối, kênh mương bị sạt lở, sa bồi ở Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Phú, Hoài Hảo. Huyện đã di dời khẩn cấp 500 hộ tại các vùng bị gập lụt ở Hoài Hải, Hoài Thanh, Hoài Mỹ, Hoài Hương, Hoài Châu Bắc.
Còn tại huyện An Lão, đã xảy ra lũ quét tại An Dũng, An Vinh, An Nghĩa, An Toàn, An Quang. Đường tỉnh lộ ĐT 629 bị ngập nhiều đoạn, tuyến đi An Toàn, An Nghĩa bị sạt lở, giao thông bị chia cắt. Kênh thủy lợi bị hư hỏng, bồi lấp 1,65 km với khối lượng đất đá bị cuốn trôi 1.200 m3. Rừng trồng keo lai bị đổ ngã 200ha; 500 tấn lúa giống và lúa thị bị ướt.
Hiện, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các thành viên trong Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đang có mặt tại các vùng ngập lụt chỉ đạo công tác ứng phó với lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai.
* Đề nghị Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ khẩn cấp. Trưa 16.11, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã có công văn khẩn đề nghị Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ khẩn cấp cho Bình Định 2.000 thùng hàng gia đình, 10.000 lít nước và 5.000 thùng mì ăn liền.
Trước đó, trong chiều 15 và sáng 16.11, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tổ chức 4 đoàn cứu trợ khẩn cấp tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, huyện An Lão và thị xã An Nhơn. Tổng số hàng hóa đã cấp phát là 3.000 phần lương khô, 1.000 thùng mì tôm và nước uống. Dự kiến, trong thời gian sớm nhất, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ tổ chức đoàn cứu trợ đến các địa phương ngập nghiêm trọng như Vân Canh, Tây Sơn, Hoài Ân, Tuy Phước…
(N.V.TRANG)
* Mực nước tại Sông Kôn - Thạnh Hòa đo được vào lúc 5 giờ sáng nay (16.11) là 9,68m, vượt mức báo động 3, vượt 1,54m so với đỉnh lũ năm 2009. Đến 11 giờ ngày 16.11, mực nước đã rút xuống còn 9,4m.
Cầu Bình Định bị sập, 2 người bị nước cuốn trôi
Vào khoảng 9 giờ, sáng 16.11, dòng nước đổ về cháy xoáy rất mạnh đã làm mố cầu phía Nam cầu Bình Định (thị xã An Nhơn) bị sụp, gãy đổ một đoạn dài khoảng 20m. Hai người đi qua đây bị nước lũ cuốn trôi, 1 người may mắn được cứu sống, người còn lại bị nước lũ nhấn chìm, mất tích. Hệ thống giao thông tê liệt trên tuyến QL 1A bị tê liệt.
Lo sợ cầu Tân An bị gãy đổ, sáng 16.11, cơ quan chức năng tiến hành đổ đá gia cố mố cầu Huỳnh Kim (thị xã An Nhơn). Hiện công tác đang được tiến hành khẩn trương. Mưa lũ làm hơn 100 hộ dân phường Liêm Trực (thị xã An Nhơn) bị cô lập, chia cắt.
Cầu Bình Định bị đứt gãy - ảnh: Trọng Lợi
Gia cố cầu Huỳnh Kim (thị xã An Nhơn) - ảnh: Trọng Lợi
* Tại huyện Tuy Phước, hiện 85% nhà dân bị ngập nước, trong đó có 36.000 hộ bị chia cắt. Theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện có mặt tại hiện trường, đã có 1.300 hộ dân bị ngập đã được các lực lượng cứu hộ, cứu nạn dùng xuồng, sõng cứu, di dời tại chỗ đến các điểm an toàn hơn trong vùng.
Theo ông Nguyễn Bay, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, khoảng 800 tấn lúa giống chuẩn bị cho vụ sản xuất Đông-Xuân 2013-2014 trong kho của các HTX và người dân địa phương đã bị thiệt hại. 80/100km đê bao 5 nhánh sông Kôn lớn của hệ thống sông Kôn tại Tuy Phước chưa được kiên cố đã bị sạt lở, mực nước tràn qua bờ đê cao từ 0,5 - 1m. Các xã Phước Nghĩa, Phước Hiệp, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng bị ngập hoàn toàn.
* Tại TP Quy Nhơn, mực nước tại cầu số 7 và 8 phường Nhơn Bình hiện đang lên, vượt mức báo động 2. Tuyến đê Đông đập Phú Hòa tại phường Nhơn Phú bị vỡ một đoạn dài 40m. Có 475 hộ dân ở phường Nhơn Bình và Nhơn Phú đã được di dời đến nơi an toàn.
(ảnh: Y Minh).
Hơn 40 người mắc kẹt tại ký túc xá Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bình Định. Từ chiều 15.11, hơn 40 học viên ở xa của Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bình Định (phường Bình Định, thị xã An Nhơn) đã bị kẹt tại ký túc xá của trường. Chị Nguyễn Thị Điệp, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh - 1 trong số những người đang bị mắc kẹt tại đây, cho biết: “Khoảng 16 giờ, chúng tôi định thu xếp về nhà thì mưa như trút, nước bắt đầu dâng lên. Đến hơn 17 giờ thì nước đã tràn vào tầng 1 của ký túc xá, sau đó ngập hết cả tầng 1, mọi người trở tay không kịp, đồ đạc ướt hết. Mọi người phải dồn lên tầng 2 để tránh nước. Suốt từ chiều qua đến giờ, chúng tôi chưa có gì để ăn, nhiều người đói lả”.
(NGUYỄN VĂN TRANG)
Tính đến 10 giờ sáng 16.11, trên tuyến QL 1A, do nước lũ chia cắt tại khu vực đầu cầu Tân An (địa phận giáp ranh giữa thị xã An Nhơn và Tuy Phước) khiến hệ thống giao thông bị tê liệt hoàn toàn; tình trạng xe cộ ùn ứ kéo dài hơn 6 cây số diễn ra hơn 10 giờ đồng hồ.
Cũng trong sáng 16.11, 120 cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Duyên hải Nam Trung bộ điều động 4 ca nô, cấp tốc cứu hộ hàng chục hộ dân sinh sống tại các khu vực Gò Ké, thôn Quảng Tín và thôn Phú Mỹ 1, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) bị nước lũ chia cắt, cô lập.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Báo Bình Định ghi lại vào sáng 16.11 về tình hình lũ lụt trên địa bàn huyện Tuy Phước và thị xã An Nhơn.
Nước lũ chảy như thác đổ, ngấp nghé tràn tuyến đường sắt Bắc – Nam (ảnh chụp tại khối Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn) - ảnh: Trọng Lợi
Nước lũ vẫn đang tiếp tục dâng cao, cô lập toàn bộ thôn Phú Mỹ 1 và Phong Tấn, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước (ảnh chụp lúc 10 giờ sáng 16.11) - ảnh: trọng Lợi
Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Duyên hải Nam Trung bộ đưa ca nô lên đường cứu hộ (ảnh chụp tại xã Phước Lộc, Tuy Phước) – ảnh: Trọng Lợi
Tuyến QL 1A đoạn qua khu vực cầu Tân An, thị xã An Nhơn bị tê liệt hoàn toàn (ảnh chụp 10 giờ, sáng 16.11) - ảnh: Trọng Lợi
Cảnh xe ùn tắc kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ trên tuyến QL 1A - ảnh: Trọng Lợi
Huyện Tuy Phước ngập chìm trong biển nước (ảnh chụp 9 giờ sáng 16.11) - ảnh: Trọng Lợi
* Theo ông Đỗ Tấn Tiên, Giám đốc Trung tâm giống cây trồng (Sở NN-PTNT), kho lúa giống của Trung tâm đặt tại phường Bình Định, thị xã An Nhơn đã bị ngập nước, thiệt hại 250 tấn giống lúa thuần và 100 tấn giống lúa lai.
* Cầu tạm An Ngãi 3 trên QL1A đoạn qua phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn bị trôi, trong khi cầu chính thì đang thi công, làm giao thông qua đây bị ách tắc.
Đoạn đường từ ngã ba Phú Tài vào nội thành chìm trong biển nước.
Ghi nhận bước đầu, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 13 người chết và mất tích do nước lũ.
* Theo thông tin từ các lực lượng cứu hộ, từ tối 15 đến sáng ngày 16.11, đã có 30.000 người dân ở các vùng bị ngập nặng trong tỉnh đã được cứu và di chuyển tập trung đến các địa điểm an toàn tại Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và TP Quy Nhơn.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện chỉ đạo huy động tối đa nguồn lực ứng cứu dân và khắc phục những đoạn đường bị sạt lở. Hiện nay, thiệt hại nặng nhất là An Nhơn và Tây Sơn.
Số liệu mới nhất tại thời điểm này là toàn tỉnh có 13 người chết và mất tích, trong đó thị xã An Nhơn có 4 người chết và 3 người bị mất tích; Tây Sơn có 3 người chết; Hoài Ân có 1 người chết; Quy Nhơn có 1 người mất tích, Vân Canh có 1 người mất tích.
PV Báo Bình Định tường thuật trực tiếp từ thị xã An Nhơn cho biết, nhiều vùng của địa phương này bị ngập nước, trong đó nặng nhất là xã Nhơn Khánh và phường Nhơn Hòa với mức nước ngập nhà dân là 0,7m, nhiều nhà bị sập. Hiện tại hai địa phương này đang bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài; nhiều người dân còn bị mắc kẹt trong nhà do nước phong tỏa.
Đường bắc đê bao thị xã An Nhơn cũng ngập sâu trong nước, đã có 6 người chết và bị thương do nước lũ.
Vào lúc 5 giờ sáng nay, 16.11, cầu Bình Định trên QL1A qua địa phận thôn Liêm Trực, phường Bình Định, thị xã An Nhơn đã bị sập một đoạn dài 15m. Lúc cầu sập, có 2 người dân địa phương đang đi trên cầu và bị rớt xuống sông. Tuy nhiên, họ may mắn bám được vào cành cây và tự bơi vào bờ. Trước đó, từ 21 giờ ngày 15.11, để đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng CSGT đã chặn xe lưu thông đoạn qua thị xã An Nhơn. Hiện tại, trên QL1A, các phương tiện giao thông tắc nghẽn một đoạn dài 7km từ trạm cân Diêu Trì (Tuy Phước) đến An Nhơn.
Trước tình hình trên, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện có mặt tại hiện trường chỉ đạo điều hàng chục canô của các lực lượng biên phòng, quân đội, công an cùng lực lượng đứng chân tại địa bàn ứng cứu, khẩn cấp tiếp cận các vùng bị ngập lụt, trước mắt là tại Tuy Phước và An Nhơn, để cứu, di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tiếp tế lương thực, nước uống cho người dân. Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ đạo huy động trực thăng ứng cứu khẩn cấp người dân các vùng bị lũ lụt.
Nghe tin nhà mẹ mình ở thôn Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa, bị sập, 21 giờ tối qua, chị Bùi Thị Thanh Tuyền, nhà ở Phú Tài (TP Quy Nhơn), vội chạy về nhưng không vào đến nhà được. Chị rất lo lắng bởi nhà chỉ có bà nội và mẹ chị, và hiện tại chị không có thông tin gì về họ. Chị Phạm Thị Xuân, người dân thôn Liêm Trực, phường Bình Định, lo lắng: “Tôi sống ở đây đã 30 năm nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh nước dâng cao ngập hết nhà cửa, đường sá như thế này”.
* Để chia sẻ và hỗ trợ người dân Bình Định bị thiệt hại do mưa lũ gây ra, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) hỗ trợ 2 tấn mì tôm, hỗ trợ mỗi gia đình có người chết do lũ 5 triệu đồng.
* Các phường ngoại thành Quy Nhơn vẫn còn ngập trong lũ
Tại TP Quy Nhơn, đến 20 giờ ngày 15.11, nước lũ vẫn còn chia cắt ở nhiều nơi thuộc phương Nhơn Bình, Nhơn Phú và Trần Quang Diệu. Mặc dù nước lũ có rút nhưng nhiều hộ dân thuộc vùng trũng vẫn còn nước tràn vào nhà. Tuyến giao thông từ ngã ba Phú Tài vào nội thành vẫn còn chia cắt, xe máy không lưu thông được, nhiều xe cố qua lại bị chết máy giữa chừng. Cơ quan chức năng đã huy động lực lượng công an túc trực thường xuyên đề phòng trường hợp xấu xảy ra, nhiều ca nô cũng được điều động đến để sẵn sàng ứng phó khi cần thiết.
Hình ảnh ngoại thành Quy Nhơn trong lũ lụt:
Người và phương tiện giao thông bị tắc nghẽn ở phường Nhơn Bình.
Xe máy bị chết máy khi cố vượt qua đoạn đường ngập nước (phường Nhơn Bình).
Bất chấp nguy hiểm, xe tải và xích lô liều mình vượt lũ đưa xe máy qua đoạn đường bị ngập với giá 30 ngàn đồng/chiếc (phường Nhơn Bình).
Bất chấp nguy hiểm, nhiều người dân dắt và chạy xe trên đường sắt nhằm tránh đoạn đường bị ngập ở phường Nhơn Bình.
Ca nô được điều động đến ngã ba Phú Tài (phường Trần Quang Diệu) sẵn sàng ứng phó khi cần thiết.
Nhiều phương tiện chốt ở ngã ba Phú Tài sẵn sàng ứng phó mọi tình huống xảy ra.
KIỀU ANH-ĐÌNH PHÙNG-T.SỸ
Cái giá quá đắc cho việc xả lũ quá nhanh nhiều mà không tính thiệt hại nhân dân.Mà đài ít thông báo về tình hình lũ dân nói gì không,mà khi lũ dô thì không thấy hàng cứu trợ , chừng nước rút rồi tổng kết hại ...người nhân vẫn khổ.
Đi cứu trợ mà chọn toàn các vị trí thị trấn, trung tâm xã để cứu trợ trong khi những xã nông thôn xã thì không, bất hợp lý quá các xã khu đông tuy phước ở cuôí nguồn phải gánh chịu,.....
Những năm gần đây, tôi hết sức bất bình và quan ngại việc xả lũ các hồ chứa thủy lợi và thủy điện trong các đợt mưa lũ, mà không thông báo cho người dân biết trước. Đặc biệt là vào ban đêm khi mọi người đang ngủ nghỉ, việc này đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng của người dân và tài sản của họ bị cuốn trôi theo lũ. Chính quyền địa phương nên quản lý chặt chẽ việc xả lũ của các Hồ chứa nước, phải có lộ trình và thông báo thời gian cho người dân biết trước đó tối thiểu 2 ngày để chuẩn bị.
Cố gắng qua cơn này quê hương Đất Võ !
Hiện tại mình đang làm ở Sài Gòn và được tin quê nhà tôi ở Cát Chánh - Phù Cát - Bình Định đang có lụt lớn. Mình rất lo lắng bồn chồn không yên, những ai ở trong hoàn cảnh của mình chắc đều có tâm trạng như thế. Nước lớn chưa bao giờ mình gặp từ khi mình sinh ra tới giờ. Được biết mưa cũng nhiều nhưng không đến nỗi nước lớn và nhanh như thế. Có phải thủy điện đã xả lũ không. Nếu như thế thì quá tội cho người dân. Sử dụng điện đều phải mua điện nhưng hậu quả người dân đều chịu. Kính mong các cơ quan chức năng có biện pháp phòng chống và giúp đỡ người dân. Xin cảm ơn
lũ này không đỡ được, xả lũ trong 1h mà nước lên cả mấy mét ai mà đỡ?
Theo thông tin tôi được biết, thủy điện Định Đình xả lũ mà không thông báo cho dân biết, lại xả lũ lúc nửa đêm nên người dân bất ngờ, trở tay không kịp. Nhiều nơi 30 năm qua chưa bao giờ ngập, bây giờ thì chìm trong biển nước.
Bão.. dự báo lũ, ngập úng đã được dự báo trước, Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh đã có chỉ thị phòng ngừa, vậy tại sao còn để ngập hư hỏng đến cả 250 tấn lúa giống ???.