Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ: Vượt qua thách thức
Dù gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguyên liệu sản xuất, nhưng công nghiệp chế biến gỗ luôn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của Bình Ðịnh. Ðể duy trì và phát triển ngành, tỉnh nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là phát triển vùng nguyên liệu. Quanh vấn đề này, ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương đã có cuộc trao đổi với Báo Bình Ðịnh.
* Ông có thể đánh giá khái quát về ngành công nghiệp chế biến gỗ của Bình Định hiện nay?
- Chế biến gỗ là ngành công nghiệp chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh, luôn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu (KNXK), thị trường xuất khẩu của ngành liên tục được mở rộng tới hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mấy năm gần đây sự phát triển thể hiện rõ ở việc dịch chuyển cơ cấu ngành hàng sang đồ gỗ nội thất, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Toàn tỉnh có khoảng 240 DN chế biến gỗ, chiếm 25,2% trong tổng số các DN thuộc ngành công nghiệp; tổng vốn hoạt động hơn 13.600 tỷ đồng, chiếm 23,3% tổng nguồn vốn của ngành công nghiệp toàn tỉnh; tạo việc làm cho hơn 23.800 lao động với thu nhập bình quân hơn 4,9 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2018, KNXK đồ gỗ đạt 381,7 triệu USD, chiếm 47,7% tổng KNXK của toàn tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến đồ gỗ của tỉnh tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018, chế biến gỗ khác tăng 26,8%; KNXK đồ gỗ đạt hơn 340 triệu USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 51% tổng KNXK toàn tỉnh.
* Tăng trưởng khá nhưng ngành vẫn gặp nhiều khó khăn, thưa ông?
- Đúng vậy! Mặc dù có sự tăng trưởng khá, nhưng hầu hết việc xuất khẩu phải thông qua trung gian nước ngoài nên trong quá trình thực hiện hợp đồng những khi có vướng mắc, việc đàm phán gặp rất nhiều khó khăn; khi xảy ra tranh chấp mình là bên gia công nên thường bị thiệt hại nặng hơn, hơn nữa áp lực về tiến độ giao hàng rất lớn. Trong sản xuất, công nghệ chế biến và năng lực quản trị DN của mình cũng còn nhiều hạn chế, các DN biết cả đấy nhưng muốn khắc phục không phải dễ. Đặc biệt, khi đòi hỏi, yêu cầu về yếu tố thân thiện với môi trường của khách hàng ngày càng cao, họ lại càng để ý đến yếu tố sản phẩm đồ gỗ ít tác động đến rừng tự nhiên. Nói cách khác là mình gặp khá nhiều khó khăn khi họ muốn mua những sản phẩm rừng trồng.
Phân xưởng sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt.
Do không chủ động được nguyên liệu nội địa để chế biến đồ gỗ, các DN phải nhập khẩu hơn 80% gỗ nguyên liệu; theo đó đã nhập khẩu hơn 200 nghìn m3 gỗ nguyên liệu, trong đó gỗ xẻ chiếm đến 85%. Với tỷ lệ ấy, việc phụ thuộc nước khác là không tránh khỏi, từ đó tiềm ẩn nhiều rủi ro từ chất lượng, nguồn gốc gỗ, khả năng đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên…
Hiện nay, mối liên kết giữa người trồng rừng với DN chế biến còn rất lỏng lẻo. Mấy năm gần đây, người trồng rừng ở tỉnh chịu khó đầu tư cho sản xuất, giống, nhưng nhìn chung công nghệ, quy mô trồng rừng, chất lượng gỗ rừng trồng của mình còn nhiều hạn chế lắm. Đây là tình hình chung, chứ không riêng gì Bình Định. Những khó khăn ấy là thách thức lớn, muốn duy trì đà phát triển, ta buộc phải xem đó như cơ hội, mà tôi tin khi vượt qua sẽ đạt được nhiều thành quả vượt bậc.
* Được biết, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương xây dựng Đề án Cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Ông có thể chia sẻ đôi nét về Đề án này?
- Để tiếp tục hỗ trợ ngành chế biến gỗ phát triển trong thời gian tới, chúng tôi đang dự thảo nội dung đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Đề án sẽ đánh giá thực trạng cơ cấu ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh giai đoạn 2014 - 2018 về rừng và đất lâm nghiệp; cơ cấu DN theo ngành, theo quy mô vốn, quy mô lao động, về thị trường và cơ cấu thị trường gỗ; trình độ công nghệ… Đồng thời, cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; trong đó, tập trung định hướng cơ cấu lại thị trường, sản phẩm chế biến để phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Riêng đối với việc tạo nguồn nguyên liệu phục vụ ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu của tỉnh, đề án đề xuất tập trung phát triển rừng gỗ lớn trong tỉnh đến năm 2035 cơ bản đáp ứng được nhu cầu gỗ nguyên liệu, từng bước xây dựng và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng rừng trồng kinh doanh gỗ lớn của tỉnh. Tăng năng suất rừng trồng mới và rừng trồng lại đạt bình quân từ 25 - 30 m3/ha/năm đối với cây gỗ lớn; mỗi năm khai thác và trồng lại từ 8.000 - 8.500 ha rừng. Nâng cao chất lượng, tăng năng suất rừng trồng để đạt trữ lượng gỗ lớn từ 190 - 240 m3/ha chu kỳ bình quân rừng trồng 12 năm và gỗ nhỏ 100 - 120 m3/ha chu kỳ bình quân 7 năm; sản lượng gỗ lớn bình quân đạt tỷ lệ 50 - 60%.
Nhà nước cần thiết bố trí vốn đầu tư hoặc hỗ trợ các DN xây dựng 1 trung tâm nhập khẩu, phân phối gỗ quy mô lớn làm nhiệm vụ cung ứng nguyên liệu gỗ cho các cơ sở chế biến gắn kết với các khu, cụm công nghiệp, làng nghề chế biến gỗ… nhằm khuyến khích, hỗ trợ các DN liên kết nhằm tạo khu vực cung ứng, chế biến gỗ tập trung.
* Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)