Người trẻ tích cực giữ gìn văn hóa truyền thống
Tối 15.10, huyện Vĩnh Thạnh tổ chức Hội thi Hát ru, hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc năm 2019. Ðây là hoạt động nằm trong chương trình phối hợp giữa Huyện đoàn, Phòng VH-TT, Trung tâm VH-TT&TT huyện nhằm trao truyền, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong thanh niên.
Hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống tại Vĩnh Thạnh có từ lâu, nhưng thu hút sự chú ý của cộng đồng dân cư là từ năm 2017, khi Huyện đoàn phối hợp Trung tâm VH-TT&TT huyện thí điểm triển khai mô hình CLB cồng chiêng thanh niên tại các làng: K8 (xã Vĩnh Sơn), M2 (Vĩnh Thịnh), M6 (Vĩnh Hòa), làng Hà Ri và làng Thạnh Quang (Vĩnh Hiệp). Từ các hạt nhân này, Huyện đoàn tổ chức chương trình giao lưu giữa các CLB. Chỉ 1 năm sau, năm 2018, toàn bộ 7 xã và 1 thị trấn của huyện Vĩnh Thạnh đều có CLB cồng chiêng thanh niên (riêng xã Vĩnh Quang, xã duy nhất chỉ có người Kinh sinh sống, Huyện đoàn tổ chức CLB dân ca bài chòi).
Tiết mục độc tấu sáo Mèo của xã Vĩnh Thịnh đạt giải nhất phần thi biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
Cùng với sự nở rộ của các CLB cồng chiêng thanh niên, Huyện đoàn tổ chức Liên hoan cồng chiêng thanh niên huyện Vĩnh Thạnh năm 2018. Chương trình khá thành công, thu hút sự chú ý của người dân từ trẻ tới già. Và năm nay, để cuộc chơi lớn này hội tụ đủ mặt “anh tài” - có sự góp mặt của thanh niên xã Vĩnh Quang, Hội thi Hát ru, hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc năm 2019 đã diễn ra. Tại Hội thi, với sức trẻ và sự năng động vốn có của thanh niên, mọi sắc màu văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện đều góp mặt và thăng hoa.
Chị Đinh Thị Thươn, Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Thạnh, chia sẻ: Đây là năm thứ 3, Huyện đoàn phối hợp cùng ngành Văn hóa huyện tổ chức hoạt động để thanh niên trong huyện được giao lưu, chia sẻ và quan trọng là điều kiện để thanh niên luyện tập, giữ gìn văn hóa truyền thống. Để các CLB cồng chiêng thanh niên, CLB dân ca bài chòi hoạt động tốt, phải nhờ vào các bác nghệ nhân tại địa phương như bác Đinh Chương, Đinh Kim, Đinh Trung Thắng... vận động, truyền dạy. Sắp tới, Huyện đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với ngành văn hóa huyện tổ chức thêm nhiều hoạt động liên quan đến văn hóa truyền thống, tất nhiên là sẽ có nhiều đổi mới để chỉn chu, mới mẻ tạo hứng thú hơn. Dự kiến, dịp 26.3.2020, huyện sẽ tổ chức hội trại, trong đó sẽ có Liên hoan cồng chiêng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, hát ru và hát dân ca.
Tiết mục hát dân ca của đội xã Vĩnh Hiệp kết hợp với đánh đàn tơ rưng.
Điều đáng mừng ở cuộc thi này là độ tuổi được trẻ hóa hơn Liên hoan cồng chiêng năm trước rất nhiều. Ở phần hát ru, hát dân ca, Ban tổ chức cho phép các đội sử dụng nhạc beat nhưng đa số đều tự hát kết hợp với cồng chiêng, đàn tơ rưng, blơng khơng. Đồng thời, ngoài dân tộc Kinh, dân tộc Bana, Hội thi còn có sự góp mặt của dân tộc H’Mông với tiết mục độc tấu sáo mèo rất ấn tượng. Bên cạnh các tiết mục của các xã, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Vĩnh Thạnh, Trường THPT Vĩnh Thạnh cũng đã có phần thi rất chỉn chu.
Anh Trương Văn Cường (26 tuổi, người H’Mông, ở xã Vĩnh Thịnh), chia sẻ: Ở đâu chúng tôi cũng cố gắng giữ gìn văn hóa truyền thống của mình. Hội thi là dịp để tôi thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đồng thời là cơ hội để giao lưu với văn hóa của nhiều dân tộc anh em tại địa phương.
Là người luôn theo sát các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương cũng như các hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống của thanh niên, nhà nghiên cứu văn hóa Bana Kriem, Yang Danh bày tỏ: “Phải nói là tôi đang rất vui! Những năm gần đây, hoạt động luyện tập, bảo tồn văn hóa của thanh niên do Huyện đoàn tổ chức dần phát triển, năm sau tốt hơn năm trước. Cứ tiếp tục đà này, văn hóa của người Bana Kriem nói riêng và văn hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện sẽ được kế thừa, duy trì tốt”.
THẢO KHUY