Phát huy vai trò của Mặt trận trong xây dựng nông thôn mới
Bình Ðịnh hiện có 77/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 16 xã so với nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh đến năm 2020. Có hai đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2018. Góp phần cho kết quả đáng ghi nhận ấy, có vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp.
Huy động nguồn lực từ dân
Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là một quá trình lâu dài. Ở đó, sự đồng thuận, tích cực tham gia của nhân dân là một trong những động lực quan trọng. Nhiều năm qua, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền về vai trò chủ thể của người dân trong công cuộc XDNTM, vận động nhân dân đoàn kết, chủ động thay đổi đời sống và diện mạo nơi mình cư trú. Trong gần 10 năm thực hiện chương trình XDNTM, nhân dân đã đóng góp hơn 485,6 tỷ đồng, hiến hơn 730 nghìn m2 đất, hàng chục nghìn cây lâu năm và trên 304.700 ngày công xây dựng các công trình.
Ông Võ Đình Thú, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khen thưởng các cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác XDNTM.
Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh và MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp để nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của chương trình XDNTM, từ đó, huy động được nguồn lực đóng góp trong nhân dân. Mặt khác, hai bên cũng phối hợp triển khai lồng ghép thực hiện nội dung các tiêu chí trong XDNTM, nhất là tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, văn hóa, môi trường... gắn với các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Hướng tới mục tiêu thay đổi bộ mặt nông thôn, Ủy ban MTTQ Việt Nam TX An Nhơn đã hướng dẫn MTTQ các xã, phường xây dựng nhiều mô hình mới như: Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, Tuyến phố văn minh, Khu dân cư thực hiện hài hòa giữa giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường.
Hay Ban công tác Mặt trận khu dân cư Trung Hội, xã Mỹ Trinh (Phù Mỹ) phối hợp với chính quyền và các chi hội, đoàn thể vận động nhân dân thực hiện các giải pháp vệ sinh môi trường khu dân cư, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải. Đồng thời, tổ chức cho các hộ chăn nuôi cam kết thực hiện bảo vệ môi trường, khuyến khích làm bể biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, vận động nhân dân không vứt bao bì thuốc trừ sâu trên đồng ruộng...
Phát huy vai trò giám sát
MTTQ Việt Nam các cấp cũng phát huy vai trò phản biện, giám sát trong XDNTM. Ông Khổng Đình Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phù Cát cho biết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã có 29 cuộc giám sát trong gần 10 năm, cấp xã thực hiện 78 cuộc giám sát. Ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng đã giám sát 592 công trình xây dựng cơ bản, phản ánh kịp thời với đơn vị thi công và nhà đầu tư để khắc phục, đảm bảo tiến độ, tránh lãng phí, đem lại niềm tin cho nhân dân, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Trong 2 năm 2017 và 2018, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì tổ chức 23 điểm đối thoại giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, tập trung vào các vấn đề phát sinh trong giải phóng mặt bằng, đất đai, ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên, khoáng sản... Từ đây, kịp thời nắm bắt tâm tư của người dân, đưa ra những giải pháp phù hợp, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Các chương trình giảm nghèo, công tác an sinh xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh cũng góp phần tích cực cho công tác XDNTM. Từ Quỹ Vì người nghèo, MTTQ Việt Nam các cấp đã hỗ trợ xây dựng mới 3.971 ngôi nhà, sửa chữa 388 nhà với tổng số tiền 87,7 tỷ đồng. MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup), Tập đoàn Viễn thông Viettel chi nhánh Bình Định, Công ty CP Tập đoàn FLC triển khai hỗ trợ 1.443 con bò giống cho các hộ nghèo với số tiền 21,6 tỷ đồng.
Chia sẻ về định hướng của Mặt trận đối với công tác XDNTM trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Sĩ Dũng cho rằng: “Phải tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong công cuộc XDNTM theo hướng sâu rộng, thường xuyên, sinh động và gắn với các chương trình cụ thể của các ngành, cấp, Mặt trận và đoàn thể. Đồng thời, triển khai lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả XDNTM, để từ đó việc triển khai XDNTM đạt hiệu quả thiết thực, mang lại lợi ích đích thực cho người dân”.
NGUYỄN MUỘI