Doanh nghiệp nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường: Tỉnh chỉ đạo xử lý kiên quyết!
15 doanh nghiệp nợ hơn 20 tỷ đồng
Ông Mai Khoa, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh, cho biết: “Mục đích của ký quỹ môi trường là để các DN khai thác khoáng sản thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại Bình Định số DN chưa thực hiện nghiêm túc hoặc dây dưa, chây ỳ nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường xảy ra tương đối nhiều”.
Tính đến ngày 30.9.2019, toàn tỉnh có 15 DN chưa chịu nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đến năm 2018 theo quy định, với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng. Nợ nhiều nhất phải kể tới các DN như: Công ty TNHH Khoáng sản Hữu Bích, đơn vị đang khai thác đá vật liệu xây dựng tại núi Nhỏ, xã Mỹ Hiệp và Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ) với diện tích 23,5 ha (nợ hơn 6,4 tỷ đồng). Công ty TNHH Khoáng sản Thủy Tiên, đang khai thác đá vật liệu xây dựng tại núi Cấm, xã Mỹ Hiệp và Mỹ Quang (huyện Phù Mỹ) với diện tích 44,3 ha (nợ gần 5,3 tỷ đồng). Công ty CP Đại Tín, khai thác đá vật liệu xây dựng tại núi Sơn Triều, phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn) trong diện tích 15,5 ha (nợ gần 3,6 tỷ đồng),… 3 DN đã nộp một phần tiền ký quỹ đến năm 2018, gồm: Công ty CP VRG đá Bình Định, Công ty TNHH Sản xuất thương mại đá granite Toàn Cầu, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ vận tải Nhật Duy.
Nhiều DN khai thác mỏ khoáng sản không nộp hoặc chây ỳ nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.
- Trong ảnh: Một mỏ khai thác đá tại đèo Bình Đê thuộc xã Hoài Châu Bắc (huyện Hoài Nhơn).
“Một số tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản gặp khó khăn về tài chính. Đồng thời, cũng có nhiều tổ chức, cá nhân xin dự án nhưng không thể triển khai khai thác hoặc các đơn vị ngừng khai thác không nộp tiền ký quỹ kéo dài trong nhiều năm, khiến số dư nợ ký quỹ rất lớn không thể thực hiện. Mặt khác, việc chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản giữa các tổ chức, cá nhân phát sinh nhiều hơn những năm trước, nhưng hầu như giữa các đơn vị chưa có thỏa thuận về sở hữu tiền ký quỹ đã nộp, nên Quỹ rất khó xác định thuộc đơn vị nào để quản lý, theo dõi và hoàn trả sau khi có quyết định đóng cửa mỏ hoặc có xác nhận hoàn thành toàn bộ dự án”, ông Mai Khoa, lý giải một số nguyên nhân dẫn tới nhiều DN nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường xảy ra trong thời gian qua tại Bình Định.
Xử lý kiên quyết
Trước tình hình nhiều DN nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường kéo dài, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT và các ngành có liên quan khẩn trương rà soát, tham mưu để UBND xem xét, xử lý theo quy định.
Cụ thể, 15 DN không nộp tiền ký quỹ đến năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT rà soát, báo cáo UBND tỉnh đình chỉ, thu hồi giấy phép hoặc đề nghị Bộ TN&MT xem xét xử lý theo quy định. Riêng 3 DN chưa nộp đủ tiền ký quỹ đến năm 2018, UBND tỉnh yêu cầu Quỹ Bảo vệ Môi trường tỉnh có văn bản yêu cầu các DN nộp đủ tiền ký quỹ. Thời hạn đến hết tháng 11.2019, DN nào không nộp đủ thì Sở TN&MT rà soát, báo cáo UBND tỉnh đình chỉ, thu hồi giấy phép.
Đối với các giấy phép khai thác khoáng sản còn thời hạn nhưng DN chưa đưa dự án vào hoạt động hoặc chưa nộp hồ sơ kê khai tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nợ tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT rà soát, báo cáo UBND tỉnh để thu hồi giấy phép theo quy định.
Riêng một số DN hoàn chỉnh hồ sơ cấp phép (trong đó đã được UBND tỉnh phê duyệt đánh giá tác động môi trường và phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản), DN phải nộp tiền ký quỹ và tiền cấp quyền theo quy định trước khi cấp phép. Nhưng đến nay, các DN chưa nộp tiền ký quỹ và tiền cấp quyền, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT rà soát, báo cáo UBND tỉnh thu hồi chủ trương, quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường theo quy định.
TRỌNG LỢI