An Lão đẩy mạnh phát triển chăn nuôi
Theo báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Chương trình hành động của Huyện ủy An Lão về đẩy mạnh phát triển chăn nuôi giai đoạn 2015 - 2020, tính đến tháng 10.2019, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện là 40.170 con, tăng 2.170 con so với năm 2015. Tổng đàn gia cầm 65.760 con, tăng 760 con so với năm 2015. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 4.010 tấn/năm. Chất lượng giống đàn vật nuôi được cải thiện, đẩy mạnh nạc hóa đàn heo, lai tạo đàn bò. Hiện đàn bò lai có 7.166 con, chiếm 17,8% tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện.
Nông dân huyện An Lão thực hiện mô hình nuôi bò nhốt chuồng mang lại hiệu quả cao.
Chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển, từng bước hình thành vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Hiện toàn huyện có 3 trang trại và 7 gia trại hoạt động theo hướng phát triển chăn nuôi bán thâm canh, với 2.500 con heo thịt xuất chuồng/năm và hơn 500 con trâu, bò xuất chuồng/năm. Đã có 9/10 xã, thị trấn thực hiện quy hoạch các khu nuôi, nhốt gắn với chăn thả. Trong đó, các xã An Tân, An Hưng, An Hòa và thị trấn An Lão thực hiện tốt công tác lập quy hoạch 4 khu chăn nuôi tập trung có tổng diện tích 33,64 ha.
Những kết quả đạt được cho thấy việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đang dần mang lại hiệu quả, tạo cơ sở để tiếp tục có những định hướng phát triển ngành chăn nuôi trong giai đoạn tiếp theo. Ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Lão, cho biết: “Thời gian tới ngành nông nghiệp huyện tiếp tục thực hiện đề án để tổ chức lại sản xuất, chăn nuôi theo từng vùng cho phù hợp và chủ động kiểm soát dịch bệnh, hướng đến chăn nuôi theo hướng an toàn. Giảm thiểu việc chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, bởi công tác kiểm soát dịch bệnh rất khó và người chăn nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do ảnh hưởng dịch bệnh, biến đổi khí hậu”.
Để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, huyện An Lão sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch chăn nuôi; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Xây dựng mô hình liên kết sản xuất trang trại, thu hút DN đầu tư chế biến. Đồng thời đào tạo nâng cao trình độ quản lý trang trại cho các chủ trang trại, hướng dẫn các chủ trang trại áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt với từng loại mô hình trang trại sạch và liên kết xây dựng thương hiệu sản phẩm...
DIỆP THỊ DIỆU
Bài viết đề cập về sự phát triển ngành chăn nuôi của huyện An Lão, tuy nhiên, các con số thống kê đưa ra chưa thuyết phục. Ví dụ: qua 5 năm, mà tổng đàn gia cầm của huyện chỉ tăng được 760 con là sao ? Như vậy, mỗi năm cả huyện chỉ tăng được 150 con gia cầm thì phát triển gì chứ ? Rồi số lượng gia súc ( bao gồm cả heo, bò, trâu, dê) qua 5 năm mà cả huyện chỉ tăng được 2170 con, tức là bình quân mỗi năm chỉ tăng được 430 con thì kinh tế nông nghiệp làm sao phát triển ? Do đó, tác giả bài viết cần xem lại và rút kinh nghiệm chuyện này. Và nhân đây, nếu thực sự các con số thống kê của ngành Nông nghiệp huyện là đúng thì UBND huyện An Lão cũng nên xem lại kết quả điều hành phát triển lĩnh vực kinh tế chăn nuôi của huyện mình. Tôi nghĩ, số liệu thống kê trên là quá sai so với thực tế. Bởi theo tôi biết thì phong trào nuôi bò lai của bà con nông dân huyện An Lão đã và đang phát triển mạnh, bởi đây là nghề chăn nuôi dễ nhất, phù hợp nhất và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất đối với bà con nông dân nói riêng và nông dân vùng dân tộc thiểu số nói chung.