Bộ trưởng Bộ Y tế 'trải lòng' trước khi Quốc hội miễn nhiệm
Điều bà Nguyễn Thị Kim Tiến trăn trở nhất khi rời vai trò tư lệnh ngành y tế đó là y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe cho người dân có thể làm tốt hơn.
Sáng nay, 21.10, bên lề phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có những “trải lòng” với báo chí khi trong kỳ họp này Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng do đến tuổi nghỉ hưu để nhận nhiệm vụ mới, Trưởng Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ nhận nhiệm vụ mới làm Trưởng Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương. (Ảnh: TTXVN)
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ tăng sự hài lòng của người dân, nâng cao chất lượng y tế, bảo hiểm y tế cho người nghèo (chính sách mua 100% mệnh giá bảo hiểm y tế cho người nghèo và 70% cho người cận nghèo) là những điều mà Bộ trưởng Bộ Y tế hài lòng nhất trong 8 năm đương nhiệm. Cùng với sự nỗ lực của cả ngành và nhiều chính sách đổi mới toàn diện, UNDP và Tổ chức sáng kiến độc lập đã đánh giá độ hài lòng của người dân đạt trên 80%, đặc biệt là sự đánh giá minh bạch của y tế tuyến huyện.
Để đánh giá mức độ hài lòng về sự thay đổi chất lượng dịch vụ y tế, theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, hãy hỏi người dân những câu hỏi như: Bác có chờ lâu không? Thái độ nhân viên y tế có tử tế với bác không? Người ta có đòi thêm cái nọ cái kia để được khám? Bác có phải trả thêm nhiều tiền không? Bệnh viện thay đổi như thế nào? Là những câu hỏi mà bộ trưởng luôn hỏi người dân...
Điều bà Nguyễn Thị Kim Tiến trăn trở nhất khi rời vai trò tư lệnh ngành y tế đó là nhiều công trình xây dựng y tế chưa xong để phục vụ người dân sớm hơn, đặc biệt y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe có thể làm tốt hơn.
“Số người bị bệnh chỉ chiếm 5-10% dân số, còn lại chúng ta cần chăm sóc, dự phòng, phát hiện bệnh sớm và lối sống phòng bệnh; nhất là các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, cái đó phải gắn với y tế cơ sở, tiến tới mục tiêu bao phủ y tế toàn dân, không bỏ lại ai ở phía sau, người nghèo cũng được chữa bệnh,” bà Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
“Tôi nghĩ điều để lại nhất mình phải làm được cái gì, ít ra phải có sản phẩm gì để cho người dân và cho xã hội. Muốn vậy phải siêng nhặt chặt bị, lấy cần cù bù thông minh, phải có thời gian, luôn đặt niềm tin và nỗ lực hết sức, nhưng mà cũng phải có một chiến lược bài bản. Và có hệ thống cấu trúc từng bước cái nào giải quyết trước cái nào giải quyết sau, và phải tranh thủ rất nhiều, học tập kinh nghiệm của nước ngoài để rút ngắn con đường,”
Là nữ bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Bộ trưởng nào cũng phải vất vả, khi mình muốn động lực làm việc thì phải đặt mình vào vị trí của người đó, mình mới thấy thấu khổ của dịch vụ mình chưa đạt được, muốn thế phải nỗ lực toàn diện trong một thời gian ngắn. Đây là áp lực rất lớn, nhưng mình nghĩ rằng đó là quy luật của cuộc sống, không thể buông bỏ.”
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến hy vọng người kế nhiệm sẽ “tâm huyết với nhiệm vụ và mỗi một nhiệm kỳ phải có chiến lược công việc".
Theo Hồng Kiều (Vietnam+)