Bồi đắp tình yêu văn hóa truyền thống
Sau thành công của Ðề án hỗ trợ cồng chiêng cho các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Ðịnh, hiện Ban Dân tộc tỉnh đang tiếp tục chọn nhà thầu để thực hiện Chương trình hỗ trợ cồng chiêng cho 13 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú của tỉnh. Chương trình hướng tới mục tiêu vun xới, bồi đắp tình yêu văn hóa truyền thống cho thanh thiếu niên.
Trao tặng cồng chiêng cho các làng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Đinh Văn Lung, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, chia sẻ: Khi đi trao tặng 119 bộ cồng chiêng cho 119 làng đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019, lãnh đạo các địa phương, nghệ nhân và các trường ngỏ ý đề nghị tỉnh tặng cho mỗi trường một bộ cồng chiêng. Đề nghị này sớm được Tỉnh ủy đồng ý. Từ đó chúng tôi tiếp tục thực hiện chương trình trao tặng 14 bộ cồng chiêng cho 13 trường học.
Được biết, với phản hồi tốt của các nghệ nhân về chất lượng cồng chiêng, để phục vụ Chương trình nhiều khả năng Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục chọn nhà thầu đã thực hiện Đề án trao tặng cồng chiêng cho các làng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Giống như lần trước, lần này chúng tôi cũng dựa trên đặc điểm cồng chiêng ở từng dân tộc như Bana, Chăm, H’rê để tặng cho các trường của con em dân tộc đó theo học. Qua đó, chương trình giúp các em có được cồng chiêng để sinh hoạt tại trường ở các buổi sinh hoạt ngoại khóa, có điều kiện để thành lập các CLB cồng chiêng, không phải vất vả vào làng mượn cồng chiêng của các nghệ nhân - ông Lung tâm tình.
Biết tin tỉnh sẽ trao tặng cồng chiêng cho các trường dân tộc nội trú, bán trú, từ mấy tháng nay, các trường háo hức mong chờ, kể cả những trường đã có phong trào cồng chiêng khá mạnh. Ông Từ Kim Lân - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Vĩnh Thạnh, cho biết: Trường vẫn duy trì phòng truyền thống và đội cồng chiêng của trường. Cứ đầu mỗi năm học, trường đều mời nghệ nhân đến giảng dạy, luyện tập để các em đã biết thì thêm giỏi, còn các em mới vào chưa biết có thể dễ dàng học tập và sinh hoạt cùng nhau. Chúng tôi rất vui mừng khi biết tin, sẽ được tỉnh tặng cồng chiêng. Có thêm một bộ cồng chiêng nghĩa là các em sẽ được tăng thêm thời gian luyện tập, có thêm cơ hội để trình tấu để góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Vĩnh Thạnh có cồng chiêng, múa xoang khá vững.
Theo kế hoạch, 14 bộ cồng chiêng sẽ được trao tặng cho 13 trường ở các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Tây Sơn, Hoài Ân và Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định. Trong đó, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định được tặng 2 bộ (1 bộ cồng chiêng Bana và 1 bộ chồng chiêng H’rê). Bà Cù Thị Hồng Diện, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định, vui vẻ chia sẻ: Từ lúc được tin trường sẽ được tặng 2 bộ cồng chiêng, cả thầy và trò trường tôi rất háo hức. Có 2 bộ cồng chiêng, học sinh của trường có thêm điều kiện để luyện tập, trình diễn điệu thức cồng chiêng của dân tộc mình vừa có thể giao lưu với bạn bè. Những buổi sinh hoạt ngoại khóa, chương trình văn nghệ của nhà trường sẽ thêm đậm đà bản sắc Bana và H’rê.
Không chỉ ở các trường THPT vui mừng chờ đợi cồng chiêng, các trường dân tộc nội trú, bán trú cấp THCS cũng cùng chung một niềm háo hức. Từ trước đến nay, mỗi khi cần cồng chiêng để học sinh sinh hoạt truyền thống, đích thân các thầy của Trường Phổ thông dân tộc bán trú huyện Tây Sơn (đóng ở xã Vĩnh An) phải vào tận làng để mượn cồng chiêng của các nghệ nhân. Điều kiện hạn hẹp vậy, nhưng trường có nhiều học sinh có thể trình tấu cồng chiêng khá thuần thục. Mỗi khi có khách đến thăm trường, hầu hết đoàn nào cũng ngỏ ý được xem trình tấu cồng chiêng. ông Nguyễn Kim Huynh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, bày tỏ: Được tặng cồng chiêng, các em sẽ có điều kiện luyện tập nhiều hơn, lan tỏa hoạt động luyện tập cồng chiêng hơn nữa. Chúng tôi đang hy vọng sẽ được hỗ trợ xây dựng được phòng chức năng để các em có nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống thật thoải mái hơn!
THẢO KHUY