Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ: Thất tín với nông dân Cát Nhơn
Nông dân xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát phấn khởi vì lần đầu tiên tham gia thực hiện cánh đồng mẫu lớn gắn với liên kết chuỗi, đạt năng suất khá nhưng niềm vui chẳng tày gang, bởi Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ - đối tác bao tiêu sản phẩm - không thực hiện đúng cam kết.
Nông dân xã Cát Nhơn thu hoạch lúa BĐR27.
Theo ông Lê Minh Sự, Chủ tịch UBND xã Cát Nhơn, xã rất muốn xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, nên khi Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ giới thiệu lúa giống BĐR27, đồng thời đặt vấn đề xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) gắn với liên kết chuỗi tại địa phương, xã thống nhất cao và chỉ đạo HTXNN Cát Nhơn thực hiện ngay trong vụ Thu năm 2019.
Chậm thanh toán tiền mua lúa
Sau khi xác định diện tích 53,8 ha tại 2 thôn: Đại Hữu, Đại Hào, HTXNN Cát Nhơn đã mua 6.370 kg lúa giống BĐR27 từ Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ với giá 16.000 đồng/kg (trong đó xã Cát Nhơn hỗ trợ cho nông dân 50% tiền mua lúa giống) để cung ứng cho nông dân sản xuất. Hợp đồng sản xuất và mua bán lúa BĐR27 giữa Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ và HTXNN Cát Nhơn cũng đã được ký kết ngay sau đó. Theo đó, Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ sẽ thu mua toàn bộ lúa tươi BĐR27 thương phẩm với giá 5.500 đồng/kg tại thời điểm, trừ tạp chất 16% trên diện tích 53,8 ha. Thời gian thanh toán chậm nhất là 30 ngày sau mỗi đợt thu mua.
Lần đầu tiên được tham gia CĐML sản xuất lúa gắn với liên kết chuỗi, nông dân địa phương, đặc biệt ở thôn Đại Hữu rất phấn khởi. Bà con thực hiện tốt quy trình kỹ thuật đầu tư, chăm sóc, nên năng suất lúa đạt 80 tạ/ha, cao hơn nhiều so với ruộng đối chứng. Tuy nhiên, từ tháng 8.2019, Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ chỉ tổ chức 4 đợt thu mua hơn 73 tấn lúa (2 đợt thu mua lúa tươi và 2 đợt thu mua lúa khô), trị giá hơn 401 triệu đồng, nhưng chưa thanh toán tiền cho dân. Hiện còn hàng trăm tấn lúa tồn đọng trong dân chưa được giải quyết.
Là người vận động nông dân tham gia CĐML và là người trực tiếp sản xuất, ông Phạm Phước Hải, bí thư chi bộ, trưởng thôn Đại Hữu, than: “Chúng tôi chịu khó vận động nên có hơn 100 hộ tham gia, sản xuất 46 ha lúa BĐR27. Ban đầu, phía Viện mua lúa tươi, sau đó họ chuyển sang mua lúa khô do máy sấy bị trục trặc. Họ nói vậy thì bà con cũng phơi phóng, bảo quản để có lúa khô bán cho họ, không ai than phiền gì. Tuy nhiên hơn 2 tháng không nhận được tiền bán lúa, nhiều người bức xúc, hoài nghi những người đứng ra tổ chức, vận động liên kết chuỗi. Là người vận động nông dân tham gia CĐML, tôi rất buồn nhưng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” chứ biết làm sao. Ngay gia đình tôi cũng chưa đòi được 5 triệu đồng tiền lúa từ Viện!”.
Thôn Đại Hào cũng có khoảng 9 ha lúa BĐR27 gắn với chuỗi liên kết, nhưng oái ăm hơn, đến nay Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ chưa đến mua lúa cho nông dân như cam kết. Ông Đoàn Văn Đại, bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn Đại Hào, cho biết: Bà con than phiền dữ lắm, tôi phải động viên chờ đợi và thúc giục HTX yêu cầu Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ tôn trọng hợp đồng, giữ chữ tín với nông dân.
Lượng lúa BĐR27 còn tồn đọng tại nhà ông Lê Văn Hòa, ở thôn Đại Hữu rất nhiều.
“Không thể mua hết toàn bộ lúa như cam kết!”
Cũng sản xuất và đã bán cho Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ 666 kg lúa BĐR27 trị giá hơn 3,6 triệu đồng, nhưng đến nay cũng chưa nhận được tiền, ông Lê Văn Hòa, ở thôn Đại Hữu, kể: “Sau khi thu hoạch, chúng tôi thường bán bớt lúa để lấy tiền trả nợ cho các đại lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và trả tiền công thuê máy móc cải tạo ruộng đồng. Nhưng nay mình nghiêm túc, tôn trọng hợp đồng, lúa bán rồi, nhưng tiền không có, các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp nghĩ mình cố tình chây ỳ. Tình ngay lý gian, giải thích kiểu gì họ cũng không tin!”.
Ông Phan Xuân Tình, Giám đốc HTXNN Cát Nhơn, cho hay: Chúng tôi đã nhiều lần gọi điện hối thúc Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ mua lúa và trả tiền mua lúa cho dân, nhưng họ cứ hẹn lần hẹn lữa, chẳng thực hiện cho. Trong khi đó nông dân nhiều lần kéo đến HTX và UBND xã khiếu nại về vấn đề trên, tôi rất mệt mỏi. HTX đã báo cáo với xã và huyện, nhờ cấp trên can thiệp.
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc kể trên, TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, xác nhận: Việc thực hiện hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa BĐR27 thương phẩm được Viện giao cho Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ nông nghiệp thực hiện, nhưng do đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Trưởng Bộ môn đang theo học lớp an ninh quốc phòng, nên việc hoàn trả tiền lúa cho nông dân có chậm trễ. Viện sẽ rút kinh nghiệm và cam kết đến ngày 30.10.2019 sẽ thanh toán hết tiền cho nông dân xã Cát Nhơn. Còn hàng trăm tấn lúa BĐR27 hiện còn tồn đọng trong dân, Viện không thể mua hết được, vì không quản lý được chất lượng sản phẩm!
PHẠM TIẾN SỸ