Về thăm thầy ngày bão
Dịp 20.11 năm nay, về quê thăm thầy giáo cũ đúng vào thời điểm cơn bão Haiyan quét qua. Đường về gió, mưa thốc vào mặt xót rát. Tới nơi, nghe cô bảo thầy đi trực bão chưa về nên tôi phải đợi đến nhập nhoạng tối.
Thầy về, trên tay cầm chiếc đèn pin, bộ áo mưa trùm kín thân hình gầy yếu. Vừa nhìn thấy tôi, thầy đã cười rôm rả: “Con về rồi đó à? May quá! Cơn bão Haiyan đã chừa miền Trung ta rồi. Đợt này nó mà đổ bộ thì trường ta nguy to, vì trận lũ hồi đầu tháng 10 khiến chân tường ẩm ướt, chỉ cần gió giật cấp 8, cấp 9 là trường có nguy cơ đổ sập”.
Thầy vừa dứt lời, tôi đưa mười ngón tay đan chắc vào đôi bàn tay của thầy còn lạnh ngắt, cúi chào lễ phép. Thầy vẫn như xưa, vẫn xem việc công lớn hơn việc tư. Cô từ nhà dưới bước lên đệm thêm mấy câu: “Ấy! Em nghĩ mà xem. Có ai như thầy không? Lúc nào cũng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Biết cô vờ trách móc, thầy nhẹ giọng đùa: “Không có trường, có lớp vợ chồng mình lại kéo cày thay trâu à?”.
Cũng vì thầy luôn tận tâm, tận lực với nghề nên được nhiều thế hệ học trò và đồng nghiệp trân quý. Còn với anh em tôi, thầy còn là một ân nhân.
Cái ngày “Nhà giáo” đầu tiên tôi đến nhà thầy cũng sau một trận lũ lớn. Hôm ấy, tổ trưởng kêu gọi mỗi bạn đóng năm trăm đồng để mua bánh và tấm thiệp hoa hồng khổ lớn tặng thầy. Tôi không có tiền góp, vì nhà vừa bị lũ cuốn trôi không còn một thứ gì. Khi đến thăm thầy, tôi chọn ngồi chỗ xa nhất và không dám ngước mặt lên vì xấu hổ với các bạn cùng tổ. Đến lúc ra về, thầy bóc bánh quy chia đều cho tất cả mọi người. Tôi ngại nên lén bước nhanh ra ngõ. Thầy chạy theo dúi vào tay tôi mấy chiếc bánh, rồi bảo: “Em cầm về cho Phong (em trai tôi)! Hôm qua, thầy mới thấy nó đi ngăn mương tát cá ngoài đìa. Lúc nào rảnh thầy sẽ qua nhà chơi thăm bố mẹ em và xin cho Phong đi học tiếp. Ở lớp 2A, nó học Toán khá nhất. Nó nghỉ, thầy tiếc lắm. Học phí của Phong thầy đã đóng hộ rồi”. Tôi cầm mấy cái bánh quy thầy cho mà rơi nước mắt.
Không chỉ giúp anh em tôi mà còn bao đứa trẻ quê nghèo ngày ấy đã được thầy dành những đồng lương ít ỏi để đóng học phí, mua vé xe cho lên tỉnh đi thi... Để rồi chúng tôi bước ra ngoài ruộng đồng, trở thành những công dân thành phố.
Trong chiều nhập nhoạng, thầy trò ngồi bên nhau ôn lại những kỷ niệm của một năm qua. Thi thoảng thầy lại tặc lưỡi quở trách một vài học trò không chịu nghe lời. Tôi chăm chú lắng nghe và nhận ra giọng thầy đã khàn hơn xưa nhiều lắm. Dưới ánh điện nhập nhòa, mái tóc hoa râm của thầy ánh kim. Cơn bão thời gian đang quét qua đời thầy. Thầy ơi! Con ơn thầy nhiều lắm! Mong thầy mạnh khỏe để mỗi năm con lại được về bên thầy, tỉ tê những chuyện buồn- vui sau một năm bươn trải trường đời”.
ĐẶNG THIÊN SƠN
Nước mắt trào ra khi đọc xong bài viết này. Cha mẹ tôi cũng là giáo viên. Bao nhiêu năm rồi, ông bà đã nghỉ mất sức nhưng đến ngày 20.11, UBND xã tổ chức lễ kỷ niệm ngày nhà giáo VN, ông bà lại được mời tham dự. Nhiều thế hệ học trò đã lớn lên nơi làng quê miền Trung nghèo khó ngày ấy, bây giờ đã lên chức ông, bà.
Cám ơn Thầy, cám ơn tác giả bài viết, thực sự rất cảm động và vô cùng trân trọng!
mình rất xúc động khi đọc bài này. cảm ơn bạn người học trò luôn nhớ về những người thầy đã dạy dỗ mình nên người.