Tạo ra não người, khoa học đang 'đi quá giới hạn'?
Các nhà nghiên cứu cảnh báo những nhà khoa học chuyên về thần kinh có thể “vượt quá giới hạn đạo đức” khi phát triển được khối não của con người ngay trong phòng thí nghiệm và trong một số trường hợp mang các mô đó đi cấy ghép vào động vật.
Một mặt cắt ngang của một phần não nhân tạo. Ảnh: EPA
Theo báo Anh Guardian, việc tạo ra não mini có kích thước bé bằng hạt đậu được xem là một trong những lĩnh vực gây tranh cãi nhất trong khoa học thần kinh hiện đại. Một số mô được tạo ra từ tế bào gốc đã phát triển sóng não tự phát, tương tự sóng não xuất hiện ở trẻ sinh non.
Nhiều nhà khoa học tin rằng tiềm năng mô não nhân tạo đó có khả năng bị y học can thiệp, biến đổi thành não sống lớn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng gây ra tranh cãi bởi vì nghi ngại nó có thể vượt qua ranh giới trong thử nghiệm con người.
“Nếu như cơ quan nhân tạo có cảm giác, nhận thức, rất có thể chúng ta đang vượt giới hạn. Chúng tôi không muốn mọi người làm nghiên cứu đến mức mà khiến một thứ gì đó phải chịu đựng”, Elan Ohayon – Giám đốc phòng thí nghiệm khoa học thần kinh Green tại San Diego, bang California (Mỹ) – nhận định.
Vì gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu não của một người sống, nên những cơ quan nhân tạo tương tự mô não được coi là một bước phát triển đáng kể. Chúng được sử dụng để nghiên cứu về các chứng tâm thần phân liệt và tự kỷ, cũng như lý do tại sao não một số em bé không phát triển khi bị nhiễm vi rút Zika trong bụng mẹ. Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ sử dụng cơ quan nhận tạo này để nghiên cứu một loạt triệu chứng rối loạn não, từ Alzheimer đến Parkinson cũng như các tình trạng về mắt như thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.
Tuy nhiên, trong bài thuyết trình tại cuộc họp của Hội khoa học thần kinh tổ chức tại Chicago, chuyên gia Ohayon và các đồng nghiệp Ann Lam, Paul Tsang cho rằng phải đảm bảo não nhân tạo không nên cấy ghép cho động vật. “Chúng tôi đã chứng kiến hoạt động trong não nhân tạo tương tự hoạt động sinh học trong động vật đang phát triển”.
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard chứng minh não nhân tạo có khả năng phát triển đa dạng các mô, từ tế bào thần kinh vỏ não đến tế bào võng mạc. Phần cơ quan này trong 8 tháng đã tạo ra mạng lưới nơ-ron thần kinh của riêng chúng, phát ra hoạt động và phản ứng khi ánh sáng chiếu vào.
Trong một nghiên cứu khác do Fred Gage tại Viện Salk ở San Diego thực hiện, các nhà nghiên cứu đã cấy ghép mô não người vào não chuột và phát hiện ra rằng chúng có khả năng kết nối với nguồn cung cấp máu của cho con vật và tạo ra các kết nối mới.
Giám đốc Ohayon muốn các đơn vị gây quỹ “đóng băng” mọi nghiên cứu đề ra mục tiêu cấy ghép não người vào con vật, cũng như các nghiên cứu muốn chứng minh não nhân tạo có khả năng nhận thức, cảm nhận. Ở Anh, các nhà khoa học đã bị cấm nghiên cứu trên các phôi hiến tặng phát triển hơn 14 ngày.
Năm ngoái, một nhóm các nhà khoa học, luật sư, nhà đạo đức và triết gia đã kêu gọi một cuộc tranh luận về đạo đức về não nhân tạo. Các tác giả, bao gồm Hank Greely - Giám đốc Trung tâm Luật và Khoa học sinh học tại Đại học Stanford bang California - cho biết phần cơ quan nhân tạo chưa đủ tinh vi để gây lo ngại ngay lập tức, nhưng đã đến lúc bắt đầu thảo luận về các hướng đi.
Theo ông Greely, không có giới hạn đạo đức cụ thể nào khi nói đến não nhân tạo. “Tôi chắc chắn rằng chúng ta chưa phát triển đến mức khi một người thức dậy, anh ta phát hiện mình là một bộ não nhân tạo”. Tuy nhiên, ông Greely tin rằng mối quan ngại chỉ thực sự trở nên nghiêm trọng hơn nếu các cơ quan này có thể nhận biết và phản ứng với các kích thích ra gây đau đớn.
“Tôi nghĩ rằng không bao giờ là quá sớm để đưa ra các vấn đề đạo đức trong nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, cần có một cuộc đối thoại toàn diện để có thể định hướng các quyết định và nghiên cứu khoa học”, chuyên gia kết luận.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức