Tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng: Cơ hội để cải cách tiền lương
Theo kết quả Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 2019, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ Ngân sách Trung ương 2020, Chính phủ đã đề xuất trước Quốc hội tăng lương cơ sở năm 2020 lên 1,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,3%.
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội ngày 22.10, ông Bùi Sỹ Lợi, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng việc tăng lương cơ sở sẽ là cơ hội để cải cách tiền lương vào năm 2021.
Theo ông, năm 2019 tiền lương cơ sở đã tăng bình quân 7%, tới năm 2020 nếu nâng thêm 110.000 đồng tức tăng 7,3% là đúng như tinh thần Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, ông Lợi cũng nhấn mạnh, quan trọng là cân đối nguồn ngân sách cải cách tiền lương từ đâu.
“Ngoài những đề xuất của Chính phủ là giảm chi hành chính, tiết kiệm, tăng nguồn thu ngân sách thì Chính phủ cần lưu ý chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 18 về đổi mới tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của Đảng và Nghị quyết 19 về đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, phải dùng tiền tinh giảm biên chế, không dùng quỹ lương của Nhà nước để bổ sung vào nguồn cải cách chính sách tiền lương,” ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Ông Lợi đưa ra ví dụ cụ thể là ngành y tế trong 2 năm vừa qua đã giảm 25.000 biên chế, tiết giảm ngân sách Trung ương chi trả là hơn 2.100 tỷ đồng và từ nguồn kinh phí đó đã tăng chính sách cải cách tiền lương năm 2020.
Vị đại biểu này cũng cho rằng: “Nếu chúng ta thực hiện được nâng mức lương cơ sở cho khu vực hành chính sự nghiệp vào năm 2020 thì sẽ có cơ hội cải cách tiền lương vào năm 2021 theo Nghị quyết 27.”
“Vấn đề quan trọng hiện nay theo báo cáo của Chính phủ là tiến độ sắp xếp lại các đơn vị hành chính sự nghiệp và các tổ chức bộ máy chính trị theo báo cáo của Bộ Nội vụ là rất chậm và hiệu quả chưa cao. Điều đó tác động rất lớn đến việc cải cách chính sách tiền lương và đặc biệt là năm 2021 sẽ tiến hành cải cách chính sách tiền lương. Nếu bộ máy quá cồng kềnh thì ngân sách không chịu nổi và nếu bộ máy cứ phình ra thì câu chuyện lạm phát về tiền lương sẽ xảy ra,” ông Bùi Sỹ Lợi phân tích.
Ông Lợi khẳng định, cải cách chính sách tiền lương tốt thì Chính phủ phải tích cực tinh giản biên chế, đặc biệt là sắp xếp lại các đơn vị công lập, cải cách bộ máy hành chính theo hướng tự chủ tự chịu trách nhiệm thì mới giảm chi thường xuyên, có nguồn để cải cách chính sách tiền lương.
Theo PV (Vietnam+)