Cải cách tư pháp ngành tòa án:
Nhìn từ các tòa án địa phương
Từ ngày 7 đến ngày 15.11, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát tình hình cải cách tư pháp ngành TAND theo Nghị quyết số 49-NQ-TW ngày 2.6.2005 của Bộ Chính trị tại một số tòa án các huyện, thành phố trong tỉnh. Kết quả cho thấy, bên cạnh những vấn đề đạt được vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.
Nâng cao chất lượng tranh tụng, xét xử tại phiên tòa là một yêu cầu đặt ra theo Nghị quyết 49.
- Trong ảnh: Phiên tòa xét xử lưu động do TAND TP Quy Nhơn tổ chức tại phường Ngô Mây.
Chất lượng xét xử, tranh tụng được quan tâm hơn
Theo thống kê, từ tháng 10.2006 đến tháng 9.2013, TAND TP Quy Nhơn đã giải quyết tổng cộng 10.892/11.199 vụ án thụ lý, đạt tỉ lệ 97,3%. Trong đó, án hình sự giải quyết đạt 99,4%, án dân sự 94,6%, án hôn nhân và gia đình 98,6%, án kinh doanh thương mại-lao động-hành chính: 92,6%. Nhìn chung, tiến độ giải quyết và xét xử các vụ án đúng quy định của pháp luật. Án bị hủy, cải sửa nghiêm trọng chiếm tỉ lệ không đáng kể so với tổng số lượng án giải quyết.
Ông Trương Quốc Dũng, Chánh án TAND TP Quy Nhơn, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 49 về cải cách tư pháp ngành tòa án theo hướng lấy tòa án làm trung tâm, đơn vị đã tổ chức nhiều phiên tòa mẫu, qua đó góp phần nâng cao kỹ năng xét hỏi, điều hành phiên tòa và giải quyết tình huống phát sinh tại phiên tòa của thẩm phán chủ tọa, hội đồng xét xử. Ngoài ra, Tòa cũng chú trọng đến công tác hòa giải (tỉ lệ hòa giải thành chiếm 30% tổng số vụ án) và xét xử lưu động, để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân”.
Tại TAND huyện Hoài Nhơn, việc nâng cao chất lượng xét xử, tranh tụng tại phiên tòa được thể hiện ở việc Tòa tạo điều kiện và đảm bảo cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ hợp pháp. Trong phiên tòa, luật sư và người tham gia tố tụng được trình bày hết ý kiến của mình, đảm bảo tranh luận giữa luật sư và đại diện viện kiểm sát không bị hạn chế. Đơn vị cũng đề cao chế độ trách nhiệm cá nhân đối với cán bộ công chức, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm đối với cá nhân trong cơ quan có vi phạm phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật. Trong 8 năm qua, TAND huyện Hoài Nhơn đã giải quyết được 4.026/4.123 vụ án các loại đã thụ lý. Tỉ lệ án các loại án giải quyết đạt từ 93 - 98,7%. Tại huyện Vĩnh Thạnh, TAND huyện đã xét xử 394/404 vụ án đã thụ lý, tổ chức được 7 phiên tòa cải cách tư pháp và tổ chức được 39 phiên tòa xét xử lưu động với 79 bị cáo.
Những tồn tại cần khắc phục
Theo đánh giá chung, Hoài Nhơn hiện là một trong những địa phương có tỉ lệ án cải sửa và bị hủy nhiều nhất tỉnh, án giải quyết cũng còn chậm. Ông Nguyễn Hoàng, Chánh án TAND huyện Hoài Nhơn, phân tích: “Ngoài nguyên nhân đội ngũ thẩm phán xét xử của Tòa thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu, còn xuất phát từ việc tính chất của các loại án hình sự, tranh chấp về dân sự ngày càng phức tạp, đặc biệt là án tranh chấp về đất đai, dẫn đến việc thu thập, xác minh chứng cứ khó khăn”. Việc thiếu luật sư hành nghề tại địa phương này cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ xét xử của Tòa án, nhất là trong các vụ án có luật sư chỉ định. Nhiều phiên tòa bị hoãn do luật sư vắng mặt hoặc đến trễ.
Tương tự, tình trạng thiếu luật sư cũng đang xảy ra tại huyện Vĩnh Thạnh. Lãnh đạo TAND huyện Vĩnh Thạnh phản ánh, việc đổi mới tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách còn hạn chế. Chất lượng hội thẩm nhân dân tham gia xét xử chưa đáp ứng yêu cầu. Một số hội thẩm không am hiểu luật, ỷ lại vào thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa cơ quan tòa án và một số phòng chức năng của UBND huyện Vĩnh Thạnh như Phòng TN-MT, Phòng Tài chính chưa thuận lợi, làm ảnh hưởng đến thời hạn xét xử án.
Về vấn đề này, ông Trương Quốc Dũng, Chánh án TAND TP Quy Nhơn, phân tích thêm: “Hiện nay, vì hội đồng định giá tài sản theo Luật tố tụng dân sự chưa được thành lập, nên mỗi khi cần định giá tài sản trong vụ án dân sự, chúng tôi phải mời các cơ quan: Tài chính, Tài nguyên môi trường và Quản lý đô thị của UBND thành phố tham gia, luân phiên làm chủ tịch hội đồng định giá tài sản. Tuy nhiên, vì đây chỉ là công việc kiêm nhiệm, nên các cơ quan này chỉ có thể tham gia việc định giá tài sản 1 ngày/tuần làm việc, trung bình mỗi lần định giá chỉ từ 1-2 vụ và nếu thiếu 1 trong 3 cơ quan thì không thể thực hiện, trong khi án dân sự lại nhiều. Vì vậy có những vụ án bị hoãn hoặc kéo dài thời hạn xét xử. Để thuận lợi hơn trong công tác xét xử, tôi đề nghị cần thành lập hội đồng định giá tài sản trong tố tụng dân sự giống như hội đồng định giá trong tố tụng hình sự”.
Làm việc với Đoàn giám sát HĐND tỉnh, TAND huyện Hoài Nhơn đề nghị tăng cường thêm thẩm phán xét xử để đáp ứng với tình hình án tăng hàng năm tại địa phương (xấp xỉ 100 vụ/năm); đồng thời, tăng thêm cán bộ chuyên trách ở một số lĩnh vực, cải tạo cơ sở vật chất, tăng phòng làm việc tại cơ quan để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ công chức làm việc.
NGUYỄN SƠN
Cái chính ở cấp tòa mà nhân dân mong đợi là "đừng bỏ sót đồng lõa và tội phạm, đừng vì ngại tính phứt tạp mà làm qua loa, làm giảm nhẹ tội cho phạm, cũng đừng đá quả banh trách nhiệm từ cơ quan này sang cơ quan khác hoặc vì nể sợ một quyền lực nào,... mà bằng chính cái tâm, sự hợp lý nhất của mình đưa ra những kết luận khoa học nhất để giải quyết. Như thế, mới xứng danh cán cân công lý mà xã hội đã trao cho.