Bảo vệ sinh mạng của dân trong mọi hoàn cảnh
Nước chảy xiết, nhưng các anh không quản khó khăn, vất vả dìu dắt những mẹ già, bồng bế những trẻ nhỏ ở vùng nước lũ bị chia cắt, cô lập đến nơi an toàn. Một lần nữa, tấm lòng son sắt của những người lính cụ Hồ và các chiến sĩ công an được khắc mãi trong trái tim người dân.
Lực lượng cứu hộ di dời dân từ vùng ngập lũ của TP Quy Nhơn đến nơi an toàn. (Ảnh: Lê Cường)
Trong 2 ngày 15 và 16.11, rất nhiều xã, phường, thị trấn của tỉnh Bình Định đã bị ngập lụt nghiêm trọng, giao thông ách tắc, nhiều nơi bị lũ cô lập, hàng ngàn nhà dân bị ngập sâu trong nước, có nhà ngập gần lút mái. Khẩn trương di dời hàng ngàn hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm là nhiệm vụ hàng đầu của LLVT Quân khu 5.
Lên đường cứu dân
Chiều 15.11, nhận mệnh lệnh cứu dân, Ban CHQS thị xã An Nhơn cử Trung tá Hồ Mười, Phó Chỉ huy trưởng-Tham mưu trưởng chỉ huy bộ đội điều khiển 2 ca nô đi ứng cứu các xã bị ngập nặng. Sau khi tác nghiệp tại xã Nhơn Lộc, một chiếc ca nô của đơn vị tiếp tục cơ động lên xã Nhơn Phúc. Khoảng 18 giờ cùng ngày, khi vượt qua bờ tràn, do nước xiết và xoáy, chiếc ca nô chở 9 người bị lật úp. Lúc này trời đã nhá nhem tối, mưa vẫn xối xả, nước lên cao, lạnh buốt. Nhờ có áo phao, mỗi người bơi đi mỗi hướng, lợi dụng địa hình địa vật (bụi rơm, cây dại…) để đu bám. Thiếu tá Lê Thanh Chánh, trợ lý dân quân may mắn bơi nhanh được vào bờ, tới ngay UBND xã Nhơn Phúc nhờ lực lượng địa phương ứng cứu.
Trung đội trưởng Dân quân cơ động xã Nhơn Phúc Trần Anh Tuấn bơi xuồng ra, cứu được một người đang bám vào một đống rơm lớn, rồi tiếp tục đưa Trung tá Hồ Mười và Trung tá Đỗ Quốc Khải (Ban CHQS An Nhơn) lúc này đã mệt nhoài vì vật lộn với dòng lũ hàng tiếng đồng hồ và uống khá nhiều nước. Do nước xoáy rất hung hãn, chiếc xuồng nhỏ không đi được, phải neo vào một cây cột điện chờ chiếc ca nô còn lại của Ban CHQS thị xã An Nhơn đến trợ giúp. Thoát hiểm trong gang tấc, không nghỉ ngơi, những người lính thị xã An Nhơn lại tiếp tục đồng hành đi cứu trợ nhân dân…
Đêm 15.11, tỉnh Bình Định cử 685 bộ đội tập trung và 753 dân quân tự vệ; Lữ đoàn Phòng không 573 đưa 165 quân nhân, Lữ đoàn Pháo binh 572 đưa 50 cán bộ, chiến sĩ, Sư đoàn 2 với 21 quân nhân cùng 27 ca nô, thuyền nhôm, máy đẩy, 1 xe thiết giáp, hàng chục ô tô các loại, thức trắng đêm di dời 1.215 hộ/4113 người dân (tính đến 9h ngày 16.11) vùng ngập nặng thuộc địa bàn TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, các huyện: Vân Canh, Tây Sơn, Tuy Phước, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Phù Mỹ… đến nơi cao ráo, an toàn; khẩn trương đóng hàng trăm bao cát hộ đê các đoạn xung yếu tại thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước).
Trong màn đêm dày đặc, mưa như thác đổ, trong nước lũ mênh mông quốc lộ 19 đoạn qua thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) trở nên mong manh. Không quản hiểm nguy, đêm 15.11, tổ ứng cứu bão lụt của Bộ CHQS tỉnh Bình Định vẫn quyết định vượt chướng ngại vật. Trời tối, cọc tiêu hai bên đường đã ngập sâu trong nước, Thiếu úy chuyên nghiệp Bùi Anh Kiên, lái ca nô và một chiến sĩ nữa nhảy xuống đường, dùng bàn chân trần và cây chống dò đường, để chiếc Gaz 66 (xe kéo ca nô) do thiếu tá Nguyễn Mậu điều khiển nhích từng dần mét một. Anh Mậu cho biết: “Chưa bao giờ tôi lái xe giữa đêm đen trong biển nước mênh mông như thế. Nước chảy xiết từ bên trái qua phải, tôi cho xe bám sát mép bên trái, giữ thật chắc vô lăng, bởi chỉ cần sơ sẩy là cả người và phương tiện đều có thể đi luôn”.
Thiếu úy Lê Quang Lợi, lái xe U oát đưa Đại tá Nguyễn Trung Hà, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS Bình Định chỉ huy các cánh quân cứu dân, nói: “Tôi đi cùng hướng với anh Mậu. Nước xiết làm tay lái rất nặng, tôi phải gồng mình giữ không cho nó xuôi theo lực đẩy của nước. Đoạn đường chừng 2 cây số mà thấy dài như vô tận. Qua được rồi mới thở hắt ra, nhẹ cả người”.
Các chiến sĩ công an và ca nô được điều động đến di dời dân ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn. (Ảnh: Đình Phùng)
Được dân quân địa phương tận tình chỉ đường, bộ đội khéo léo điều khiển những chiếc ca nô, thuyền nhôm luồn lách qua những bụi cây lúp xúp, những hàng dây điện chằng chịt. Do số nhà dân ngập trong nước quá nhiều, nên các đơn vị ưu tiên cứu nơi ngập sâu trước, chở người già, phụ nữ, trẻ em trước. Cứ thế dìu cõng bà con, đi về hàng chục chuyến, cán bộ, chiến sĩ áo quần ướt sũng, ai cũng mệt rã người nhưng không dám nghỉ ngơi. Thượng tá Nguyễn Khuyến, Phó chỉ huy trưởng quân sự Lữ đoàn Phòng không 573 chỉ huy bộ đội di dời người dân ở xã Nhơn Phúc (An Nhơn) chia sẻ: “Trời mưa to, đêm tối, lũ dâng rất nhanh, nước chảy xiết, địa hình bị chia cắt, dây điện chằng chịt, gây trở ngại cho các hoạt động cứu hộ. Chúng tôi vừa làm vừa nhắc nhở bộ đội phải cẩn trọng để bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng cho nhân dân”.
Trong ngày 16, các đơn vị LLVT Quân khu 5 vẫn tiếp tục việc di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm và vận chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống cho các khu vực bị cô lập trong nước.
Hạnh phúc khi dân an toàn
Tại huyện miền núi Vân Canh, ngay chiều 15.11, nước lũ dâng nhanh đột ngột khiến các thôn An Long 1, An Long 2, Bình Long, Tăng Lợi (xã Canh Vinh) bị chia cắt hoàn toàn. Tình thế cấp bách, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã triển khai cho Bộ CHQS tỉnh Bình Định cử 11 cán bộ, chiến sĩ và 1 ca nô do Đại tá Trần Duy Hùng, Phó tham mưu trưởng làm trưởng đoàn. Lữ đoàn Phòng không 573 đưa 40 cán bộ, chiến sĩ cùng 3 ca nô, thuyền nhôm do Thượng tá Huỳnh Hải, Phó chính ủy Lữ đoàn chỉ huy, về ngay Canh Vinh ứng cứu.
Trời mưa như thác đổ, nước lũ chảy xiết, địa hình bị chia cắt, cây cối, cột và dây điện ngã đổ khiến các hoạt động cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Nguy cấp hơn, tính mạng và tài sản người dân đứng trước nguy cơ bị nước lũ cuốn trôi. Vượt qua khó khăn, nguy hiểm, thuyền bộ đội nhanh chóng đưa bà con từ vùng ngập thoát khỏi hiểm nguy. Thượng tá Huỳnh Hải cho biết: “Nhận thông tin chỉ đạo, Lữ đoàn đã cử 60 cán bộ chiến sĩ tham gia hộ đê sông Hà Thanh đoạn qua thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) và 10 quân nhân cùng 1 ca nô triển khai công tác cứu hộ tại xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn. Trong đêm 15.11 và ngày 16.11, cán bộ chiến sĩ vẫn đang tiếp tục bám trụ tại các địa bàn trọng điểm huyện Vân Canh, cùng sát cánh với người dân để kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra”.
Rời vùng rốn lũ Canh Vinh, tôi ngược dòng về xóm Kè và xóm Bắc, xóm Nam cầu Đỏ, thôn Phong Tấn, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước nơi có hàng chục hộ dân đang bị nước lũ bao vây, cô lập. Tại đây tôi được biết, sáng 16.11, nước lũ dâng cao, uy hiếp nghiêm trọng nhiều khu vực dân cư; nhiều ngôi nhà của bà con chìm ngập trong biển nước. Để bảo vệ dân, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 - Trung đoàn Cảnh sát cơ động Duyên hải Nam Trung bộ nhanh chóng có mặt và cứu hộ.
Vẫn còn mệt mỏi sau một đêm thức trắng trực ban cứu hộ, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Đoàn Hồng Trường cho biết: “Nhận được thông tin chỉ đạo, 3 giờ sáng 16.11, đơn vị huy động 120 cán bộ chiến sĩ, 4 ca nô ứng chiến lập tức lên đường. Ngay trong đêm, chúng tôi cử cán bộ chiến sĩ trực tại nhiều điểm nóng. Đến sáng, nhận thấy nước lũ chia cắt nhiều khu dân cư, chúng tôi cho cán bộ đến các thôn thuộc xã Phước Lộc tiếp ứng và đưa bà con tại những nơi bị nước lũ uy hiếp đến nơi an toàn. Mệnh lệnh của lãnh đạo cũng như tâm huyết của anh em cán bộ chiến sĩ là nỗ lực hết mình, phát huy tối đa khả năng, bằng mọi cách đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sinh mạng của dân trong mọi hoàn cảnh”.
Chiến sĩ Phạm Hùng Nhật, Tiểu đoàn 1 tâm sự: “Lúc khó khăn là lúc bà con họ cần quân đội, công an nhất, vì thế khi vào trận, anh em chúng tôi đều tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Đưa được bà con nhân dân đến nơi cao ráo an toàn chúng tôi rất hạnh phúc”. Bà Nguyễn Thị Hoa, người dân ở thôn Quảng Tín, xã Phước Lộc vẫn chưa hết run rẩy sau nhiều giờ bị nước lũ uy hiếp, chia sẻ: “Nước lũ lên cao quá, tuyến đường liên thôn bị chia cắt, cô lập 15 hộ dân ở khu vực này. Tôi cứ tưởng phen này chắc bị nước lũ cuốn thật rồi, may sao, mấy chú công an có mặt kịp thời. Mừng thôi là mừng…”.
NGỌC DIỆP - TRỌNG LỢI
Tấm lòng của các anh bộ đội thuộc lữ đoàn 573 thật rất đáng ghi nhận nhưng phải nói rằng công tác dự báo thiên tai ở dịa phương là cực kì yếu kém. Tất cả 6 hồ thủy điện cùng xả lũ một lúc, ngay cả hồ Định Bình cũng phải xả lũ với 6 cữa.....Tại sao không xả lũ sớm hơn mà lại ngay lúc lượng mưa trên địa bàn rất lớn? Hơn nữa, Phải chăng ông Lê Hữu Lộc không phán đoán được với lượng mưa lớn như vậy khả năng xảy ra lũ lụt là rất cao....