“Hồng nhan họa thủy”
Nhiều người nhầm lẫn rằng câu thành ngữ trên phải là “hồng nhan họa quốc” vì hàm nghĩa của nó là “người đẹp như mối họa của nước [nhà]”. Thật ra, “hồng nhan họa thủy” mới đúng. Đồng thời, đây còn là một điển cố trong văn hóa Trung Hoa, bắt nguồn từ sách Tư trị thông giám. Chuyện rằng, khi Hán Thành Đế cho nàng Triệu Hợp Đức, em của Triệu Phi Yến, vào cung làm tiệp dư, một nữ quan là Náo Phương Thành đã nói: “Thử họa thủy dã, diệt hỏa tất hĩ”, tạm hiểu “cái họa này như nước, ắt dập tắt lửa vậy”. Quả nhiên về sau, chính chị em họ Triệu đã làm cho Thành Đế trở thành tên hôn quân ham mê tửu sắc, hoang dâm vô độ, bỏ bê việc triều chính khiến triều đình lục đục, quyền lực phân tán. Về sau, người đời ví von “hồng nhan” như “họa thủy” (nước mang mầm họa) là do vậy.
Liên quan đến “hồng nhan”, trong tiếng Việt có một thành ngữ gốc Hán quen thuộc hơn là “hồng nhan bạc phận/ mệnh”. Nhiều người nhầm “bạc” trong thành ngữ trên là “bạc bẽo”. Thật ra, đây là nghĩa phái sinh. Nghĩa gốc của “bạc” (bộ thảo) ở đây là “mỏng, thưa, mọn” (ta còn gặp “bạc” này trong tiếng Việt ở nhiều từ như “bạc đãi”, “bạc nhược”, “bạc tình”, “tệ bạc”…). Thành ngữ trên có thể hiểu là “người đẹp [thì] phận mỏng”.
Mệnh đề “hồng nhan bạc phận” trong thời phong kiến bắt nguồn từ quan niệm “bỉ sắc tư phong” (cái này hơn thì cái kia kém) và “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” như cụ Nguyễn Du đã nêu ra trong Truyện Kiều; cùng thực tiễn người phụ nữ bị coi thường, hay gặp bất hạnh trong xã hội bất công, bất bình đẳng nam nữ. Tuy nhiên, trong thời hiện đại, quan niệm này đang dần thay đổi. Thành ngữ hiện đại “hồng nhan bạc triệu/ tỷ” ra đời như là một minh chứng cho sự thay đổi này. Cũng là “bạc” nhưng không còn là “mỏng” nữa. “Bạc” ở đây là “tiền” (trong “tiền bạc”). Ban đầu, thành ngữ này mang sắc thái khiếm nhã nhưng dần dần trở nên trung hòa về mặt biểu cảm vì được sử dụng ngày càng phổ biến, nhất là trong ngôn ngữ hàng ngày.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ